Nhiều vật liệu nhựa được ngư dân đưa lên tàu cá phục vụ cho công việc khai thác hải sản trong chuyến biển mới. Ảnh: Bích Nguyên
Hàng ngàn tấn nhựa được thải ra môi trường nước
Ước tính, trên toàn cầu có khoảng từ 5 đến 13 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra đại dương trong năm 2010 và có thể lên tới hơn 250 triệu tấn nhựa nữa được thải ra các đại dương trên toàn thế giới từ năm 2010 đến năm 2025. 8 trong số 10 quốc gia gây ra rò rỉ nhựa là ở châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Theo một nghiên cứu quốc tế được trích dẫn phổ biến, Việt Nam là quốc gia đứng thứ tư trên thế giới về khối lượng rác thải nhựa thải ra đại dương, từ 280.000 đến 730.000 tấn trong tổng số 1,83 triệu tấn rác thải nhựa chưa được quản lý đúng theo quy định năm 2010.
Theo Báo cáo nghiên cứu, đánh giá tình hình phát sinh, quản lý rác thải nhựa và đề xuất giải pháp, lộ trình giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam của Chương trình Đối tác hành động toàn cầu về nhựa thực hiện, năm 2018, Việt Nam đã phát sinh hơn 3,7 triệu tấn chất thải nhựa sau khi sử dụng, trong đó, chỉ có 58% được quản lý theo đúng quy định, 42% còn lại đã gây tác hại đáng kể cho môi trường. Nghiên cứu cũng ước tính rằng, khoảng 181.584 tấn nhựa đã bị thải ra môi trường nước tại Việt Nam trong năm đó.
Rò rỉ nhựa vào môi trường nước của Việt Nam đang đe dọa các sinh vật biển, ảnh hưởng tới ngành du lịch, chất lượng nguồn nước, cũng như sức khỏe của người dân. Các loài sinh vật biển hoang dã thường nuốt phải nhựa đã phân hủy thành các mảnh nhỏ được gọi là vi nhựa. Những vi nhựa này tích tụ các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và các chất ô nhiễm sinh học như thủy ngân... Các chất ô nhiễm này tích tụ trong chuỗi thức ăn, có nguy cơ gây tác động đến sức khỏe con người.
Nhận thức được cuộc khủng hoảng môi trường đang diễn ra ngày một nghiêm trọng do nhựa chưa được quản lý đúng theo quy định, Việt Nam đã đưa ra những cam kết chính trị mạnh mẽ. Trong đó có Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương (2019), đặt mục tiêu đến năm 2030, giảm 75% lượng nhựa thải ra đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch ven biển khác không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa...
Thu gom rác thải từ tàu cá góp phần bảo vệ biển xanh
Thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương, các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp và các mô hình khác nhau để giảm thiểu phát thải nhựa ra biển như thay đổi vật liệu nuôi trồng thủy sản, xây dựng các mô hình thu gom rác thải từ nguồn, vận động ngư dân không xả thải xuống biển.
Mô hình thu gom rác thải nhựa trên tàu cá, kết nối với cơ sở thu hồi vật liệu tại Quy Nhơn giúp giảm thiểu rác thải nhựa ra đại dương phát sinh từ sinh hoạt và sản xuất trên tàu cá khoảng 60 tấn, giữ cho cảng cá sạch sẽ hơn. Ảnh: Bích Nguyên
Năm 2020, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã triển khai dự án “Nhân rộng mô hình cộng đồng quản lý chất thải sinh hoạt và nhựa tại 5 thành phố” tại các tỉnh và thành phố ven biển của Việt Nam. Tại Bình Định, UNDP đã phối hợp với UBND tỉnh Bình Định triển khai mô hình thu gom rác thải nhựa trên tàu cá, kết nối với cơ sở thu hồi vật liệu tại Quy Nhơn.
Kết quả khảo sát cho thấy, chỉ tính riêng lượng tàu cá khai thác về cập bến tại cảng cá Quy Nhơn trong 1 tháng đã xả thải ra đại dương hơn 4,1 tấn rác thải nhựa và 0,8 tấn rác thải nhôm (vỏ lon bia) và khi vào bờ xả ra hơn 1,7 tấn bì nhựa dùng bảo quản sản phẩm thủy sản. Lượng rác thải này được gom bán cho các cơ sở phế liệu sẽ tạo ra hơn 33 triệu đồng, vừa mang lại kinh tế, đồng thời góp phần làm giảm bớt sức tải về môi trường mà đại dương phải gánh chịu bởi rác thải nhựa.
Từ thực trạng đó, mô hình thu gom rác thải nhựa trên tàu cá, kết nối với cơ sở thu hồi vật liệu tại Quy Nhơn đã được thực hiện thí điểm khoảng 100 tàu cá thường xuyên ra, vào cảng cá Quy Nhơn và mở rộng khoảng 100 tàu cá tại cảng cá Đề Gi, cảng cá Tam Quan từ tháng 2/2023. Các thuyền viên cam kết không xả rác ra biển mà thu gom, bỏ vào túi đựng rác trên tàu cá.
Khi tàu chuẩn bị xuất cảng, thuyền trưởng ghi vào tờ khai các loại nước uống, thực phẩm sinh hoạt và các loại bao bì sử dụng trên tàu cá. Trên mỗi tàu cá có trang bị túi đựng rác thải để thuyền viên bỏ rác. Khi tàu cập cảng sau một chuyến biển, thuyền trưởng có trách nhiệm giao rác thải sinh hoạt của tàu cho tổ thu gom rác thải tại cảng cá và ký xác nhận lượng rác thải bàn giao.
Kết quả thực hiện mô hình đã giúp giảm thiểu rác thải nhựa ra đại dương phát sinh từ sinh hoạt và sản xuất trên tàu cá khoảng 60 tấn. Kết quả này cũng minh chứng cho mô hình kinh tế tuần hoàn, công tác thu hồi phế liệu sinh hoạt và trên các tàu cá tốt không chỉ góp phần giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, mà còn làm tăng thu nhập, giải quyết công ăn việc làm cho cộng đồng có liên quan đến lĩnh vực thu hồi, tái chế phế liệu. Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định cho biết, mô hình sẽ được duy trì tính bền vững và tiếp tục triển khai, mở rộng trên địa bàn tỉnh cho khoảng 3.000 tàu cá xa bờ.
Qua công tác tuyên truyền, tập huấn, ngư dân đã có ý thức hơn trong việc sử dụng túi nilon, bao tải dứa. Ảnh: Bích Nguyên
Cùng hướng tới mục tiêu giữ môi trường biển trong xanh, tỉnh Quảng Bình triển khai mô hình thu gom rác thải nhựa từ tàu cá. Địa phương này hiện có khoảng 3.552 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên, trong đó có 1.164 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên khai thác thủy sản vùng khơi (xa bờ); diện tích nuôi trồng thủy sản mặn, lợ ven biển hơn 1.300ha.
Theo thông tin từ các chủ tàu cá xa bờ, mỗi năm, lượng rác thải bình quân khoảng từ 70 - 80kg/tàu, do vậy, lượng rác thải ước tính từ tàu cá khai thác xa bờ Quảng Bình khoảng 80 - 100 tấn/năm. Thực hiện mô hình thu gom rác thải từ tàu cá, các chủ tàu thuyền đã thực hiện ký cam kết thu gom rác từ biển vào bờ trong mỗi chuyến đi biển. Mỗi tàu thuyền được cấp phát 2 túi lưới đựng rác để ngư dân có thể đựng rác trên thuyền, sau đó mang về bờ.
Đến nay, đã có hơn 700 tàu cá xa bờ của tỉnh Quảng Bình hưởng ứng và tiếp tục duy trì mô hình thu gom rác thải tại nguồn. Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình ước tính, thông qua mô hình, hàng năm, có khoảng 50 - 60 tấn rác thải nhựa từ tàu cá được mang vào bờ, tập trung tại các điểm thu gom để chuyển cho các đơn vị có chức năng phân loại, xử lý.