Thành Phong ·
1 năm trước
 7784

Thủ tướng yêu cầu "truy" trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để thiếu điện

Trước thực trạng thiếu điện, khiến nhiều địa phương phải cắt điện luân phiên cuối tháng 5 và đầu tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Chính phủ liên tiếp "truy" Bộ Công Thương

Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Chủ tịch Hội đồng thành viên các Tập đoàn: Điện lực Việt Nam (EVN), Dầu Khí Việt Nam (PVN), Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) về việc bảo đảm cung ứng điện các tháng cuối năm 2023 và năm 2024.

Văn bản nêu rõ việc cung ứng điện ở nước ta trong giai đoạn cuối mùa khô năm 2023 vừa qua đã gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ở khu vực miền Bắc đã để xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ ở giai đoạn cuối tháng 5.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thiếu điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân vừa qua để có hình thức xử lý theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Để bảo đảm kế hoạch cung ứng điện những tháng cuối năm 2023 và năm 2024, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chịu trách nhiệm chung về công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kế hoạch; chỉ đạo vận hành ổn định và khắc phục nhanh các sự cố đối với các nguồn điện.

Thủ tướng yêu cầu "truy" trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để thiếu điện.

Yêu cầu khai thác tối đa, hiệu quả nguồn khí tự nhiên trong nước để sản xuất điện; cung cấp đủ than, khí cho các nhà máy nhiệt điện và điều hành nguồn nước đối với các nhà máy thủy điện; ưu tiên nhập khẩu điện, mua than của Lào để bảo đảm cung ứng đủ điện, đáp ứng yêu cầu hiệu quả…

Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Công Thương cần khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ, cơ quan có liên quan và các địa phương để hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, hiệu quả, khả thi, tối ưu tổng thể.

Đồng thời, Bộ Công Thương cần lập kế hoạch cụ thể tiến độ triển khai các bước của dự án và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm tiến độ hoàn thành nêu trên.

Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định kiểm soát chặt chẽ tiến độ các dự án nguồn và lưới điện, chế tài xử lý các dự án chậm tiến độ, không để xảy ra thiếu điện do chậm tiến độ các dự án nguồn và lưới điện.

Đầu tháng 8/2023 vừa qua, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về về thực hiện kết luận thanh tra liên quan tới quản lý, điều hành cung ứng điện tại EVN và các đơn vị liên quan gửi Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng phải có trách nhiệm đôn đốc xử lý các vi phạm được phát hiện qua thanh tra, đồng thời yêu cầu Bộ Công Thương vào cuộc kiểm tra việc xử lý sau thanh tra.

Về hậu quả để thiếu điện miền Bắc, trong báo cáo điểm lại tháng 8/2023, với chủ đề "Để đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng", nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (World Bank) ước tính: Mất điện trong tháng 5, tháng 6/2023 tại Việt Nam (đa phần ở miền Bắc) đã khiến nền kinh tế gánh chịu thiệt hại, mức tổn thất khoảng 1,4 tỷ USD (32.200 tỷ đồng), tương đương 0,3% GDP đất nước.

"Miền Bắc vẫn có nguy cơ thiếu điện trong hai năm tới"

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhận định, quy hoạch điện VII và điện VII điều chỉnh phê duyệt 37 dự án nhiệt điện, tổng công suất trên 35.100 MW, vận hành đến 2020. Tuy nhiên mới có gần 49% dự án trong số này vận hành đúng tiến độ, số còn lại (hơn 14.700 MW) dừng triển khai hoặc không khả thi.

Tại miền Bắc, có 6 dự án nguồn điện lớn bị chậm tiến độ hoặc không đầu tư tiếp như An Khánh, Na Dương 2, Cẩm Phả... với tổng công suất hơn 4.200 MW. "Đây là một trong những nguyên nhân khiến miền Bắc thiếu điện trong mùa nắng nóng, bởi cốt lõi chúng ta thiếu nguồn điện trong khi nhu cầu tiêu dùng tăng mỗi năm", ông Tuấn nói.

Sức ép về vốn, nhiên liệu hay các vướng mắc về pháp lý, thủ tục phức tạp là những lý do khiến nhiều dự án nguồn điện tại Quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh không kịp vận hành.

Chuyên gia đến từ Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) tính toán, nguồn điện than có thể vận hành từ nay đến 2030 khoảng 3.100 MW, trong khi nhu cầu tiêu dùng điện tại phía Bắc là gần 11.000 MW, tức nguồn chỉ đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu.

"Nguồn điện cho miền Bắc trong hai năm tới vẫn rất căng thẳng, nguy cơ thiếu điện hiện hữu khi các dự án có trong quy hoạch bị chậm tiến độ, khó có khả năng vận hành vào 2024-2025", ông Tuấn thông tin.