Quỳnh Hoa ·
3 năm trước
 3217

Thừa Thiên - Huế: Rừng phòng hộ A Lưới bị chặt phá nghiêm trọng và câu hỏi về trách nhiệm của Ban quản lý rừng

Nhiều cây gỗ cổ thụ đường kính gốc từ 0,5m đến hơn 1m bị chặt hạ tại rừng phòng hộ A Lưới. Đây không phải lần đầu tiên rừng phòng hộ này bị chặt phá. Sự việc này làm dư luận dấy lên câu hỏi về trách nhiệm của Ban quản lý rừng phòng hộ A Lưới cũng như Đội chuyên trách bảo vệ rừng Hương Lâm!

Mới đây, tại khu rừng phòng hộ thuộc khoảnh 7, Tiểu khu 312, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhiều cây cổ thụ đã bị chặt phá. 

Xác minh thấy có 12 cây bị chặt hạ, đường kính gốc từ 0,5m đến hơn 1m. Nhiều cây lớn cao hơn 30m, đường kính gốc hơn 1m ngã đè lên những cây nhỏ hơn bật gốc, trơ trọi. 

Tại hiện trường chỉ còn lại gốc cây và một số cành nhánh, phần chính thân cây bị vận chuyển ra khỏi hiện trường. Một số cây gỗ được xẻ thành nhiều phách nhỏ nằm vương vãi dọc đường đi chờ người đưa ra khỏi rừng. Khoảng cách từ đường Hồ Chí Minh đến khu vực khai thác gỗ trái phép gần 6km. 

Rừng phòng hộ A Lưới bị chặt phá

Lực lượng kiểm lâm phát hiện các cây bị khai thác trái phép. Ảnh: TTXVN

Rừng phòng hộ A Lưới bị chặt phá

Gốc cổ thụ bị lâm tặc chặt hạ, lấy đi toàn bộ phần gỗ

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong số các cây bị chặt hạ trên có 9 cây là chủng loại Phò Lái, một cây Vang Trứng, hai cây Trám (thuộc nhóm gỗ nhẹ, sức chịu lực kém, khả năng chống mối mọt thấp, dễ bị cong vênh), đối tượng khai thác chủ yếu dùng gỗ này để làm quan tài.

Kiểm tra khu vực xung quanh trên tuyến, Chi cục phát hiện còn có một số cây cổ thụ thuộc chủng loại gỗ Chò Chỉ, Sến… (thuộc loại gỗ tốt, nặng) chưa bị chặt hạ.

Rừng phòng hộ A Lưới bị chặt phá nghiêm trọng

Nhiều cây gỗ trong rừng phòng hộ A Lưới bị đốn hạ. Ảnh: N.Q

Phương thức hoạt động là khai thác vào ban đêm hoặc khi thời tiết có mưa. Sau khi khai thác, gỗ được lâm tặc gùi và đưa ra khỏi rừng. Các cây gỗ chủ yếu nằm rải rác, cách xa nhau trên diện tích rừng rộng khoảng 5km2.

Đây không phải là lần đầu tiên trên địa bàn huyện A Lưới xảy ra tình trạng phá rừng nghiêm trọng với quy mô lớn. Trước đó, năm 2018 cũng từng có nhiều bài phản ánh về việc lâm tặc ngang nhiên đưa cưa máy, máy tời vào triệt phá rừng phòng hộ A Lưới.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, sau khi phát hiện sự việc, đơn vị đã cấp tốc thành lập đoàn kiểm tra, yêu cầu các đơn vị có liên quan báo cáo, giải trình vụ việc. Đồng thời sẽ làm báo cáo gửi lãnh đạo Sở NN&PTNT, UBND tỉnh và đề xuất xử lý nghiêm trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức vi phạm...

Dư luận đặt nhiều câu hỏi về trách nhiệm bảo vệ rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ A Lưới. Rằng vì sao nhiệm vụ chính là bảo vệ rừng nhưng lại để mất rừng. Nói về công tác bảo vệ rừng, Ban quản lý rừng phòng hộ A Lưới chỉ ra những khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng. Đó là lực lượng mỏng, lâm tặc lợi dụng trời mưa, ban đêm để cưa xẻ gỗ trái phép.

“Lâm dân khi bị bắt thu máy cưa hoặc gỗ thì quay lại trả thù lực lượng bảo vệ rừng bằng cách cưa hạ cây gỗ bỏ lại hiện trường sau đó quay phim, chụp ảnh tung lên mạng xã hội hoặc báo cho báo chí đến để chụp hình, quay phim đăng bài nhằm làm giảm uy tín và gây áp lực cho lực lượng bảo vệ rừng và kiểm lâm”, một phần báo cáo của Ban quản lý rừng phòng hộ A Lưới nêu.

Tiếp đến, khi yêu cầu Đội chuyên trách bảo vệ rừng Hương Lâm làm kiểm điểm và sẽ xử lí nghiêm sai phạm thì được Đội bảo vệ rừng chuyên trách Hương Lâm cho biết rằng trong số 12 gốc cây cổ thụ bị lâm tặc đốn hạ và lấy đi khỏi rừng khoảng 50-60 khối, có 10 cây đã phát hiện, lập biên bản nhưng “quên” báo cáo. 

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng đặt ra là trách nhiệm của Đội chuyên trách bảo vệ rừng là bảo vệ rừng, chứ không đơn giản chỉ là trách nhiệm báo cáo. Về phần này, những lý do hay lời giải thích của Ban quản lý rừng phòng hộ A Lưới và Đội chuyên trách bảo vệ rừng Hương Lâm đưa ra có thuyết phục được dư luận hay không? 

Sau câu chuyện này, đề nghị các cấp, ban ngành tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với cán bộ, viên chức liên quan!