Lan Anh ·
2 năm trước
 6807

‘Thuận thiên’ để phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL

Để phát triển bền vững, ĐBSCL cần phải xây dựng Chiến lược chi tiết, tiếp tục chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu theo hướng thuận thiên, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển.

Thách thức lớn trước tác động của biến đổi khí hậu

Với diện tích khoảng 4 triệu ha và nằm ở hạ lưu sông Mê Kông, ĐBSCL là vựa lúa lớn có trọng trách đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước. Thế nhưng, những năm qua, khu vực ĐBSCL phải chịu tác động mạnh từ sự biến đổi khí hậu khi thường xuyên bị sạt lở, hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng; triều cường và bão mạnh ngày càng bất thường. Đặc biệt, dòng sông, con nước không được các quốc gia thượng nguồn sông Mê Kông chia sẻ một cách công bằng. Thực tế này đòi hỏi người dân của vùng đất Chín Rồng phải thay đổi thói quen sinh hoạt, sản xuất… để thích ứng.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT cho biết, biến đổi khí hậu trong thời gian qua tác động sâu rộng đến đời sống dân sinh, đời sống kinh tế - xã hội của ĐBSCL. Trong đó, mưa lũ có sự thay đổi, mưa mùa hạn ít, bão chuyển dịch về ĐBSCL nhiều hơn; hạn hán xâm nhập mặn liên tục và ngày càng khốc liệt, ranh giới xâm nhập mặn lấn sâu vào cửa sông; lún sụt cũng diễn ra khốc liệt, cùng với đó nước biển dâng và triều cường cũng gia tăng. Nhiều khu vực đô thị trước đây như Cần Thơ, TP.HCM ít bị ảnh hưởng thì nay, tình trạng ngập lụt do triều cường ngày càng gia tăng.

‘Thuận thiên’ để phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL - Ảnh 1
Cánh đồng lúa khô nứt nẻ do hạn hán tại xã Mỹ Nhơn, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. (Ảnh: Thông Hải)

Biến đổi khí hậu đã và đang gây nhiều thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL, trong đó có hợp tác xã nông nghiệp (hợp tác xãNN) và hộ thành viên. Kết quả điều tra năm 2020 của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Viện CSCL) cho thấy: 80,3% hợp tác xã khảo sát cho biết hiện tượng biến đổi khí hậu có xuất hiện trên địa bàn hoạt động của hợp tác xã trong 5 năm qua với 3 hiện tượng phổ biến là xâm nhập mặn, hạn hán và thời tiết cực đoan (giông bão, mưa to, lũ lụt).

Theo một nghiên cứu năm 2019, trong trường hợp nước biển dâng 1 m, tổng sản lượng lúa của vùng ĐBSCL có thể giảm 40% nếu không có các biện pháp ứng phó phù hợp. Ngoài ra, do điều kiện thời tiết khắc nghiệt và nhiều dịch bệnh xuất hiện, năng suất của nhiều loại cây trồng như lúa, ngô sẽ giảm.

Với kịch bản biến đổi khí hậu trung bình, năng suất lúa vụ Đông Xuân được dự báo giảm 716,6 kg/ha, vụ Hè Thu giảm khoảng 795 kg/ha vào năm 2050. Điều này sẽ dẫn đến suy giảm khoảng 1,48 triệu tấn lúa. Năng suất ngô có thể giảm 782 kg/ha, khiến sản lượng giảm khoảng 880 ngàn tấn.

Một yếu tố khác dẫn đến sự giảm năng suất cây trồng là sự suy giảm lượng phù sa do bị giữ lại phía thượng nguồn. Theo tính toán của các chuyên gia, tác động tích lũy của các dự án thủy điện trên sông Mê Kông có thể làm giảm từ 6-10% nguồn chất dinh dưỡng (đạm và lân) cho ĐBSCL, năng suất cây trồng dự báo sẽ giảm từ 0,6-1 tấn/ha.

Điều tra của Viện CSCL năm 2020 cho thấy, xâm nhập mặn gây giảm năng suất 41,5%; tiếp đến là hạn hạn làm giảm 35,8%; thời tiết cực đoan làm giảm 27,9% và các hiện tượng khác làm giảm 28,3%. Cây ăn quả bị giảm năng suất nhiều nhất (giảm 49,6%), thủy sản giảm 43,9%, lúa giảm 24,9% và cây trồng khác giảm 30%. Trung bình, biến đổi khí hậu gây giảm năng suất cây trồng vật nuôi khoảng 35,2%.

Phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách

Năm 2021, đối mặt với tình hình dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp, ĐBSCL đã phải chịu những ảnh hưởng hết sức nặng nề nhưng cũng là cơ hội để giúp phục hồi sau đại dịch theo hướng thuận nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây cũng là quan điểm của Việt Nam tại COP26 vừa qua. Đặc biệt, tại sự kiện công bố Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu trong khuôn khổ Hội nghị COP26, Thủ tướng đã đưa ra các cam kết trong việc cắt giảm 30% khí metan vào năm 2030 và cam kết đạt “Net Zero” vào năm 2050. Những cam kết mạnh mẽ này của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế rất hoan nghênh và đánh giá cao.

‘Thuận thiên’ để phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL - Ảnh 2
Nghị quyết 120 được coi là Nghị quyết "vàng", là ngọn cờ đi đầu trong phát triển bền vững ở ĐBSCL. (Ảnh minh họa)

Do đó, giai đoạn tới ĐBSCL cần phải xây dựng Chiến lược, kế hoạch chi tiết, đưa ra lộ trình cụ thể để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển để thực hiện các cam kết nêu trên.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt để giúp các tỉnh khu vực ĐBSCL ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng các kế hoạch, chương trình giúp khu vực có nền tảng phát triển bền vững, giúp người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn. Hạ tầng giao thông, các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, y tế cơ sở, an sinh xã hội, phòng chống dịch bệnh… là những ưu tiên trước mắt cho khu vực.

Đặc biệt, Nghị quyết 120 về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (còn được gọi là Nghị quyết “thuận thiên”) được ban hành năm 2017 đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy của các cấp, các ngành trong xây dựng chính sách, xác định các chương trình chiến lược, các dự án cấp bách. Thực tiễn bốn năm triển khai cho thấy, việc kế thừa các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước cùng với tích hợp, lồng ghép kết quả các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ, các dự án phát triển đã tạo đà mạnh mẽ cho ĐBSCL phát triển và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nghị quyết 120 của Chính phủ được các nhà khoa học đánh giá là Nghị quyết "vàng" đã đóng vai trò là ngọn cờ đi đầu, là kim chỉ nam để người dân, doanh nghiệp và các cấp chính quyền phát huy tính sáng tạo, chủ động thích ứng một cách có hiệu quả nhất, với nhiều mô hình, sáng kiến hay để ĐBSCL phát triển bền vững.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường thông tin, năm qua là một năm rất khó khăn với ĐBSCL, cùng với cả nước. Đây là khu vực chịu ảnh hưởng nặng bởi đại dịch, phải thực hiện giãn cách kéo dài nhất cả nước.

Thống kê ước tính trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng trung bình khu vực ĐBSCL đạt hơn 4,5%, thấp hơn trung bình 5,64% của cả nước. Thậm chí, dự kiến, cuối năm tăng trưởng khu vực ĐBSCL có thể bị âm. “Đây là khu vực năng động, xuất khẩu lớn, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, nhưng gặp khó khăn nên ảnh hưởng nhiều tới nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới. Hầu hết các nguồn lực tài chính, nhân lực được sử dụng chống dịch thời gian qua”.

Theo đó, thời gian tới, để bảo đảm thực hiện Nghị quyết 120, phải tập trung một số giải pháp. Trong đó, phải triển khai giải pháp thuận thiên, bảo đảm phù hợp với môi trường. Đồng thời, đây là giai đoạn cả nước thực hiện Quy hoạch phát triển vùng đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là cơ hội xây dựng quy hoạch tích hợp phù hợp hệ sinh thái, cảnh quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân phát triển liên kết vùng, liên kết TP.HCM và Đông Nam Bộ trong thời gian tới.

Nguồn