Theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động mạnh mẽ nhất do biến đổi khí hậu. Riêng ĐBSCL là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng cao...
ĐBSCL từ lâu là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất Việt Nam, thực hiện sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu. Đặc biệt, đóng góp tỷ lệ lớn vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nông nghiệp cả nước: chiếm 31,37% GDP ngành nông nghiệp, đóng góp tới 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% về trái cây; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu.
ĐBSCL đang trong giai đoạn chuyển mình để bước sang thời kỳ mới trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn bởi dịch bệnh, kinh tế suy thoái và đặc biệt là sự tác động của biến đổi khí hậu. Trong đó, các địa phương và doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn trong việc thực hiện chuyển đổi kinh tế, tìm kiếm nguồn lực cho phát triển.
ĐBSCL là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng cao.
Dù là vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước, “vựa lương thực” quan trọng của thế giới, nhưng một điều cần nhìn nhận là tài nguyên đất, nước và môi trường ở ĐBSCL đang suy giảm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, những thách thức về nước biển dâng, ngập mặn và chính sách, tập quán canh tác bất cập kéo dài bào mòn sức sống của ĐBSCL và kinh tế vùng đang bị tụt hậu so với cả nước, vì vậy các địa phương cho rằng nên có sự liên kết để vực dậy tiềm năng là điều cần thiết hiện nay.
Thêm vào đó, biến đổi khí hậu với mực nước biển dâng, bão nhiệt đới, lũ lụt và xâm nhập mặn ảnh hưởng trực tiếp đến những nguồn sinh kế và nguồn lực sản xuất. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Môi trường nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), biến đổi khí hậu làm giảm năng suất một số loại cây trồng chủ lực. Cụ thể, năng suất lúa vụ xuân sẽ giảm 0,41 tấn/ha vào năm 2030 và 0,72 tấn vào năm 2050. Năng suất cây ngô có nguy cơ giảm 0,44 tấn/ha vào năm 2030 và 0,78 tấn vào năm 2050… Dự báo đến năm 2100, khu vực ĐBSCL có nguy cơ bị ngập 89.473 ha, tương ứng khu vực này sẽ mất khoảng 7,6 triệu tấn lúa/năm nếu nước biển dâng 100 cm. Khi đó, Việt Nam có nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng, gia tăng tỷ lệ đói nghèo... Do đó, chủ trương chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu đã được Đảng và Nhà nước luôn đề cao.
TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright nhấn mạnh, lợi thế cạnh tranh của ĐBSCL chủ yếu đến từ điều kiện tự nhiên sẵn có. Tuy nhiên, các tài nguyên sẵn có này hoặc đang bị khai thác kiểu tận diệt tới mức báo động đỏ, hoặc đang đứng trước rủi ro lớn từ những tác động bên ngoài, hoặc đang dần mai một theo năm tháng. Hậu quả là vừa không phát huy hết được nội lực phong phú, vừa tác động rất lớn tới hệ sinh thái, bào mòn sức sống của đồng bằng, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống và sinh kế của hơn 17 triệu dân vùng ĐBSCL.
Trước thực trạng đó, Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu (Cộng hòa liên bang Đức) khởi động xây dựng dự án các giải pháp dựa vào thiên nhiên của Việt Nam nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu trong nông nghiệp thông qua chuyển đổi khu vực tư nhân (VN-ADAPT).
Đây là một đề xuất chương trình cấp quốc gia hướng đến việc xúc tiến giải pháp dựa vào thiên nhiên trong ngành nông nghiệp và chuyển đổi tập quán sản xuất với vùng trọng điểm, trong đó có ĐBSCL là khu vực dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu.
“ĐBSCL đang phải đối mặt với các mối đe dọa cấp bách do biến đổi khí hậu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp. Do vậy, đã đến lúc cần đổi mới nông nghiệp để thích ứng với biến đổi khí hậu. Điều này đòi hỏi cam kết tăng cường sáng tạo cùng đầu tư công và tư cho một nền nông nghiệp bền vững, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng, góp phần thực hiện Hiệp định Paris về khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.
Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV hy vọng dự án VN-ADAPT sẽ tạo ra giải pháp về bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Qua đó, giúp nâng cao sinh kế cho người dân địa phương, và hướng tới nền nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu”, Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV tại Việt Nam Peter Loach nhấn mạnh.
Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 854/QĐ-TTg ngày 19/7/2022 phê duyệt Đề án nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của hợp tác xã nông nghiệp vùng ĐBSCL, giai đoạn 2021 – 2025. Mục tiêu chung của đề án là nâng cao năng lực chủ động áp dụng các biện pháp thích ứng, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực, tận dụng cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại nhằm phát triển bền vững các hợp tác xã nông nghiệp ở khu vực này. Thủ tướng Chính phủ cũng vừa phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu. Đồng thời, đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu Trái đất, tận dụng cơ hội từ ứng phó với biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế. Trước đó Bộ NN&PTNT đã cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) ký thỏa thuận tài trợ về dự án “Nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu ở ĐBSCL” nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp phát thải thấp và chống chịu tác động của biến đổi khí hậu trong thời gian 5 năm (2022-2027) với tổng kinh phí khoảng 50 triệu USD và được chia thành nhiều đợt. |