Thành Vũ ·
30 tuần trước
 9238

Thực trạng khai thác cát lòng sông tại Việt Nam

Tình trạng khai thác cát trái phép tại Việt Nam hiện nay đang gây bức xúc trong dư luận xã hội. Việc khai thác thiếu kiểm soát đang gây hậu quả lớn về thất thoát tài nguyên, sạt lở bờ sông, thiệt hại hoa màu và mất an ninh trật tự tại các địa phương.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong năm 2015, nhu cầu sử dụng cát chỉ vào khoảng 92 triệu m3, nhưng năm 2020 nhu cầu này đã tăng lên đến 160 triệu m3. Trong khi đó, tổng tài nguyên cát của Việt Nam ước khoảng 2,3 tỷ m3, song chủ yếu là cát cho xây trát và san nền.

Nguồn cát chính cung cấp cho xây dựng chủ yếu tập trung ở các dự án được cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác các mỏ hoặc nạo vét khơi thông luồng lạch, nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 60 đến 65% nhu cầu và cung cấp cho các thành phố, đô thị lớn.

Như vậy, có thể thấy mỗi năm có khoảng từ 35 đến 40 triệu m3 hiện đang được sử dụng vào các công trình xây dựng, công trình giao thông thuộc diện không rõ nguồn gốc. Với mức độ tiêu thụ cát xây dựng như vậy, nguồn tài nguyên cát sẽ sớm cạn kiệt và nguy cơ nước ta nhập khẩu cát xây dựng là điều đã được dự báo.

Ảnh minh họa. (Ảnh:ITN)

Mới đây nhất, Cục Khoáng sản (Bộ TN-MT) cho thấy Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có 58 giấy phép khai thác cát san lấp (thời hạn 2020 - 2029) với tổng trữ lượng hơn 67 triệu m3, tổng công suất khai thác gần 14 triệu m3/năm. Nếu chỉ tính các giấy phép trong thời hạn 2023 - 2026 thì trữ lượng cát còn lại của ĐBSCL khoảng 26 triệu m3 với công suất khai thác khoảng 12 triệu m3/năm. Trong khi đó, riêng về hạ tầng giao thông, 6 tuyến cao tốc triển khai trong giai đoạn 2022 - 2025 ở khu vực này cần gần 54 triệu m³ cát. Thêm vào đó là khoảng 36 triệu m³ cát cho các dự án (DA) giao thông cấp tỉnh đầu tư năm 2023, 2024.

Chính vì vậy, khả năng khai thác cát cho ngành xây dựng ở Việt Nam hiện nay và trong những giai đoạn tới cần phải được hạn chế vì khai thác cát lòng sông quá mức cho phép sẽ gây ảnh hưởng đến dòng chảy, gây sói mòn đất và những tác hại về môi trường sinh thái, đặc biệt là việc khai thác cát ở sông Lô, sông Đồng Nai và sông Hậu.

Ảnh hưởng của khai thác cát đến môi trường và các hoạt động khác

Khi lấy cát vượt quá lượng cát từ thượng du chuyển về, xuất hiện xói lòng sông hoặc lở bờ, hay cả hai hiện tượng xẩy ra cùng lúc. Nếu bờ tương đối ổn định, được kè giữ hoặc che phủ cây cỏ, lòng sông bị xói và hạ thấp trước . Lòng sông hạ thấp đến mức nào đó, mái bờ sông bị mất chân sẽ sụp đổ, mặt cắt lòng sông mở rộng ra .

Thường khai thác cát không rải đều, mà tập trung vào một số điểm thuận tiện vận chuyển, do đó một vài nơi trên sông Hồng, sông Đuống cao độ đáy sông đã hạ thấp xuống -15 m  - 20 m,  gây sạt lở mạnh bờ sông.

Hiện tượng sạt lở bờ sông, sâu vào bờ hàng chuc mét tại thị xã Sơn Tây vào cuối năm 2010 là một cảnh báo rất đáng quan tâm.

Khi  lòng sông bị xói sâu ở điểm A, sẽ dẫn đến xói tiếp ở phía trên điểm A vì hố xói  A đã làm tăng độ dốc mặt nước phía trên điểm A, tăng sức tải cát của dòng chẩy, dẫn đến xói lở  phía trên điểm A. Hố xói A cũng dẫn đến xói lở ở phía dưới điểm A : dòng cát đáy chuyển từ thượng lưu về đọng lại hố xói A, lượng cát chuyển về hạ du giảm, dòng chẩy sẽ lấy cát từ lòng sông phía dưới điểm A để bổ sung và gây xói .

Do điều tiết cùa hồ chứa, những năm gần đây, hạ du sông Hồng hầu như không có lũ.Trong thời gian tới, nếu xẩy ra lũ lớn, chắc chắn sạt lở sẽ nghiêm trọng hơn, có thể đe dọa an toàn của hệ thống đê.

Bên cạnh đó khi lòng sông, bờ sông bị xói, dòng chẩy được bổ sung một lượng bùn  cát nhất định. Các hạt nhỏ, mịn được chuyển khá xa về hạ du và lắng đọng lại ở  vùng dòng chẩy yếu. Hiện tượng này có thể ảnh hưởng đến vận tải thủy, và trong một số trường hợp có thể làm mức nước lũ nâng cao ở vùng đó.

Ngoài ra lòng sông bị hạ thấp, mức nước sông mùa kiệt bị hạ thấp theo, các kênh dẫn tưới ven sông sẽ thiếu nước. Lượng nước ngầm và độ ẩm của đất ven sông giảm, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng .Những hiện tượng bất lợi này cũng đang xẩy ra ở hạ du sông Hồng, gây nhiều khó khăn cho lấy nước vào cống Xuân Quan trong dăm năm gần đây.

Khai thác vượt lượng cát ở thượng lưu về hàng năm, nước mặn sẽ tiến sâu vào đất liền hơn so với trước .Hiện tượng này cũng đang xẩy ra ở hạ du sông Hồng.

Tại Việt Nam, công tác quản lý và kiểm soát hoạt động khai thác cát, sỏi đã được các cơ quan chức năng hết sức quan tâm, các văn bản pháp luật từ Trung ương đến địa phương đã ban hành kịp thời nhằm mục đích quản lý hiệu quả hoạt động khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên.

Tuy nhiên, hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép vẫn diễn ra ở nhiều nơi gây tổn thất tài nguyên và để lại nhiều hệ lụy, làm thay đổi dòng chảy, xói sâu lòng sông, hạ thấp mức nước ngầm, gây sạt lở bờ sông, bãi sông, làm mất đất nông nghiệp, tác động ảnh hưởng đến công trình kiến trúc, hạ tầng cơ sở và công trình phòng chống bão lụt, gây mất an toàn giao thông, tác động xấu đến môi trường, mất an ninh trật tự tại địa phương nơi có hoạt động khai thác gây bức xúc cho dư luận xã hội,...

Do đó, một số giải pháp để đảm bảo khai thác cát, sỏi lòng sông như không khai thác tại các đoạn sông có tuyến đê đi sát với mép bờ sông dưới 100m; không khai thác tại các vị trí lòng dẫn đã bị xói sâu quá 5m so với đường lạch sâu trung bình trên toàn tuyến; không khai thác tại các khu vực dân cư sinh sống phía ngoài bãi sông, phạm vi bảo vệ các công trình chính trị, bảo vệ bờ sông, công trình thủy lợi, các điểm di tích lịch sử bên sông; không khai thác các đoạn sông đang diễn ra diễn biến xói lở mạnh và có chế độ thủy lực phức tạp như khu vực ngã ba sông, trụ cầu, trạm bơm…

Vị trí khai thác phải cách mép bờ sông tối thiểu hơn 50m. Việc khai thác phải đảm bảo không làm hệ số mái dốc của bờ sông nhỏ hơn 10m. Không tập trung trên tuyến lạch sâu nên tập trung khai thác tại các vị trí gần bãi nổi, cù lao để kết hợp nạo vét lòng, tăng cường khả năng thoát lũ trên lòng chính…

Song với việc thực hiện nghiêm túc các quy định đặt ra đòi hỏi các doanh nghiệp có ý thức chấp hành không vì lợi ích trước mắt mà để lại hậu họa nghiêm trọng cho môi trường lâu dài.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật 

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6907383635988000