Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân trong nước lại "cân" hết lượng cổ phiếu bán ra của các nhà đầu tư lớn và khối ngoại trong những phiên thị trường giảm mạnh. Chẳng hạn phiên ngày 24/5, nhà đầu tư cá nhân mua ròng lượng cổ phiếu trị giá hơn 2.700 tỉ đồng; còn các tổ chức, khối tự doanh công ty chứng khoán và khối ngoại bán ròng tổng cộng hơn 2.600 tỉ đồng.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Theo ông Võ Kim Phụng, Trưởng Phòng Phân tích - Công ty Chứng khoán BETA, áp lực bán ròng của khối ngoại là yếu tố cần phải chú ý. Dù từ năm ngoái đến nay họ đã bán ròng liên tiếp nhưng hiện tốc độ và khối lượng bán vẫn duy trì ở mức cao.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Vĩ mô và chiến lược thị trường - Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho biết, rủi ro ngắn hạn của thị trường chứng khoán đang tăng lên khi đón nhận một số thông tin kém tích cực cả trong nước lẫn quốc tế. Nhìn vào các số liệu vĩ mô Mỹ được công bố tuần qua (chỉ số PMI, số đơn trợ cấp thất nghiệp thấp hơn dự báo) cho thấy kinh tế nước này vẫn tăng trưởng mạnh mẽ. Điều đó làm dấy lên lo ngại việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể trì hoãn giảm lãi suất điều hành để tiếp tục chống lạm phát. Đây là yếu tố bất lợi cho các đồng tiền khác trên thế giới (trong đó có VNĐ).
Áp lực tỉ giá trong nước đang gia tăng trở lại, bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước đã bán ra một lượng ngoại tệ để can thiệp, cùng với đó tổ chức nhiều phiên đấu thầu vàng miếng để hạ nhiệt thị trường này và hút về một lượng VNĐ khá lớn.
Tuần qua, lãi suất qua đêm liên ngân hàng đã vượt ngưỡng 5%/năm; Ngân hàng Nhà nước cũng tăng lãi suất thị trường mở (OMO) thêm 0,25 điểm %, lên 4,5%/năm… Những yếu tố trên gây áp lực với giới đầu tư chứng khoán, họ lo ngại việc ổn định tỉ giá có thể làm cho lãi suất không còn "rẻ" nữa.
Theo nhận định của ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường - Công ty Chứng khoán VPBankS, tỉ giá trong ngắn hạn tiếp tục chịu sức ép khi FED trì hoãn quá trình hạ lãi suất. Cùng với đó là tác động từ giá vàng thế giới lập đỉnh, nhu cầu vàng duy trì ở mức cao và sự phục hồi của hoạt động nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Sơn cho hay, tỉ giá là một trong những biến số có thể tác động tới diễn biến của thị trường chứng khoán. Từ năm 2008 đến 2023, mỗi khi tỉ giá tăng quá 2%, chứng khoán có xác suất điều chỉnh giảm khá cao. Tính từ đầu năm nay, tỉ giá đã biến động hơn 4,6%. Đây chính là tác động gián tiếp dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng.
Trong bối cảnh rủi ro ngắn hạn gia tăng, chuyên gia VPBankS dự báo nếu VN-Index để mất mốc hỗ trợ 1.250 điểm, kịch bản điều chỉnh sâu có thể trở lại.
Theo ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước, tất cả khó khăn, thách thức của thị trường ngoại tệ trong nước chỉ là ngắn hạn. Thời gian tới, với đà phục hồi khả quan của xuất khẩu, nguồn cung ngoại tệ sẽ dồi dào hơn.
Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển cho rằng hiện nay chứng khoán vẫn hấp dẫn do kênh đầu tư bất động sản chưa thật sự phục hồi, thậm chí còn khó khăn. Có điều, khi đầu tư chứng khoán cần nhìn dài hạn và có chiến lược để tránh những đợt sụt giảm trong ngắn hạn.
Theo ông Hiển, trong năm 2024 lãi suất huy động có tăng thêm 0,5 - 1 điểm % thì vẫn thấp. Việc tăng lãi suất chủ yếu là để thu hút dòng tiền gửi tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế, cũng là mặt tích cực trong trung - dài hạn. Khi kinh tế tăng trưởng, các doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, chứng khoán cũng được hưởng lợi.
Trước những dấu hiệu rủi ro ngắn hạn đang gia tăng, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên đặt ưu tiên quản trị rủi ro lên hàng đầu. Những nhà đầu tư ngắn hạn đang sử dụng đòn bẩy (margin) hoặc nắm giữ tỉ trọng cổ phiếu cao cần tận dụng các nhịp phục hồi kỹ thuật để giảm trạng thái, hạ bớt tỉ trọng cổ phiếu về mức an toàn để quản trị rủi ro danh mục đầu tư.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7859857080740646