Ngọc Lan ·
1 tuần trước
 9098

Tiềm năng phát triển bán tín chỉ carbon từ cây cao su

Theo các chuyên gia, cây cao su là bể chứa carbon nếu thúc đẩy quản lý bền vững khu vực canh tác cao su, áp dụng các biện pháp kỹ thuật cải tiến giúp giảm phát thải trong quá trình sản xuất.

Việt Nam đã thực hiện cam kết về giảm phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thúc đẩy phát triển thị trường carbon, đảm bảo thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định, hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp, người dân và các đối tác tham gia, đồng thời cung cấp thông tin một cách chính xác, đầy đủ về thị trường carbon và phương thức tạo tín chỉ carbon để có thể giao dịch trên thị trường, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 2/5/2024 về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định.

Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mỗi năm Việt Nam có thể bán ra thị trường thế giới 57 triệu tín chỉ carbon. Điều này cho thấy, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển thị trường carbon đặc biệt là ở lĩnh vực lâm nghiệp và nông nghiệp. Ngoài hai lĩnh vực trên, theo các chuyên gia, rừng cao su ở Việt Nam cũng là một nguồn khai thác tiềm năng tín carbon trong tương lai.

Tiềm năng phát triển tín chỉ carbon từ rừng cao su

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết năm 2023, diện tích cao su cả nước ước đạt hơn 910.000 ha.

Về cơ cấu diện tích, vùng cao su truyền thống Đông Nam Bộ chiếm khoảng 58,3%, kế tiếp là Tây Nguyên (24,5%), duyên hải miền Trung (14,0%) và Bắc Bộ – vùng mới phát triển từ sau 2005 (3,2%). Diện tích cao su tiểu điền phát triển nhanh trong những năm gần đây và vượt hơn diện tích cao su đại điền của các doanh nghiệp từ năm 2017.

Rừng cao su ở Việt Nam. (Nguồn: Internet)

Dù không được coi là cây lâm nghiệp nhưng theo một số nghiên cứu gần đây cho thấy, cây cao su rất có tiềm năng giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu. Bản thân cây cao su là bể chứa carbon nếu thúc đẩy quản lý bền vững khu vực canh tác cao su, áp dụng các biện pháp kỹ thuật cải tiến giúp giảm phát thải trong quá trình sản xuất, giảm các tác động tiêu cực đến khí hậu.

Theo nghiên cứu của Rico Kongsager và cộng sự (2013) về tiềm năng hấp thụ carbon của một số đồn điền, giá trị lớn nhất được tìm thấy ở đồn điền cao su 44 tuổi (214 tấn carbon/ha), các đồn điền khác có hàm lượng carbon thấp hơn nhiều: cam 25 tuổi (76 tấn carbon/ha), ca cao 21 tuổi (65 tấn carbon/ha) và cọ dầu 23 tuổi (45 tấn carbon/ha). Bình quân lượng carbon tích lũy hàng năm cao nhất vẫn là đồn điền cao su (4,9 tấn carbon/ha/năm).

Ông Võ Hoàng An - tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, với tổng diện tích 910.000 ha rừng cao su hiện nay không chỉ đem lại giá trị kinh tế từ mủ cao su, gỗ cao su mà ngành cao su ở Việt Nam còn có tiềm năng để phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng.

Với giá bán mỗi tín chỉ carbon hiện đạt 5 USD và lợi thế sở hữu 300.000 ha rừng cao su tại Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã và đang nghiên cứu, hướng tới thương mại hoá tín chỉ carbon trong thời gian tới.

Theo Bộ Nông nghiệp Thái Lan, cây cao su có khả năng lưu trữ carbon cao, đặc biệt là trong 5 năm trước khi khai thác mủ cao su. Người trồng cao su thậm chí có thể tạo thu nhập từ việc bán tín chỉ carbon trước khi khai thác mủ hay gỗ.

Theo nationthailand, Cơ quan Quản lý Cao su Thái Lan (RAOT) khẳng định cây cao su có khả năng lưu trữ carbon, đặc biệt là trong 5 năm trước khi khai thác mủ cao su. Nông dân trồng cao su có thể tạo thu nhập từ việc bán tín chỉ carbon trước khi khai thác. Ngoài ra có thể giảm lượng khí thải carbon hơn nữa bằng cách giảm sử dụng hóa chất và nhiên liệu, cũng như điều chỉnh các phương pháp sản xuất và vận chuyển. Do đó, từ năm 2023, Bộ Nông nghiệp Thái Lan cũng đã khuyến khích những người trồng cao su nâng cao trữ lượng tín chỉ carbon để tăng thêm thu nhập.

Theo báo cáo "Ước tính quá trình cố định CO2 từ vườn cây cao su" được Viện Nghiên cứu cao su Indonesia trình bày tại Hội nghị quốc tế về nông nghiệp, môi trường và khoa học sinh học (ICAEBS'15) lần thứ 2 năm 2015 tại Indonesia, với vòng đời dài, rừng trồng cao su sẽ hoạt động như một nơi lưu trữ carbon đáng kể.

Thực hiện chuyển đổi xanh, phát triển bền vững

Nhận thấy tiềm năng phát triển tín chỉ carbon từ cây cao su, theo ông Võ Hoàng An - tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam, trong thời gian qua, nhiều hội viên trong hiệp hội đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, nâng cao giá trị cao su Việt Nam. Trước mắt, nhiều doanh nghiệp đã chủ động chuyển đổi phù hợp các tiêu chí về phát triển bền vững của các tổ chưc thế giới và đạt được các chứng chỉ xanh như quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế (VFCS/PEFC-FM) hay chứng chỉ về truy xuất nguồn gốc, quy trình sản xuất sản phẩm (PEFC-CoC).

Cây cao su không chỉ có giá trị kinh tế mà còn có tiềm năng phát triển tín chỉ carbon. (Nguồn: Internet)

Ông Trần Công Kha, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) chia sẻ trên TTXVN cho biết, nhằm đạt được tăng trưởng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội, trong năm 2024, VRG góp phần xây dựng nền kinh tế các bon thấp, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, thực hiện chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo hệ thống VFCS/PEFC-FM và chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm (PEFC-CoC), tái kết nối với Hội đồng quản lý rừng (FSC).

Theo đó, VRG tập trung phát triển 40 - 45% diện tích cao su và rừng trồng sản xuất tại Việt Nam đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững (VFCS/PEFC-FM) và 75 - 80% nhà máy chế biến mủ cao su tại Việt Nam đạt chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm (PEFC-CoC). 

Bên cạnh đó, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cũng tập trung nghiên cứu, tìm hiểu thông tin và đánh giá trữ lượng carbon của rừng cao su để hướng tới thương mại hóa. Ngoài ra, Tập đoàn cũng thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế bằng cách tiếp tục đề xuất kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan hữu quan xem xét công nhận đối với các diện tích cao su có chứng nhận quản lý rừng bền vững theo VFCS/PEFC-FM được hưởng dịch vụ môi trường rừng.