Tạ Nhị ·
44 tuần trước
 8939

Tiến độ các dự án trọng điểm tại Hà Nội ra sao?

Trong những tháng đầu năm 2023, UBND thành phố Hà Nội tập trung chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư, các đơn vị thi công tăng cường nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm.

Theo UBND thành phố, Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn Thành phố quý II/2023 ước tính đạt 113,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vốn Nhà nước 37,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 32,9% tổng vốn đầu tư và tăng 5,9%; vốn ngoài nhà nước 68,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 60,4% và tăng 10,4%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 7,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 6,7% và tăng 8,5%.

Hoạt động xây dựng của Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực. Cùng với công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu, các đơn vị thi công tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, phát triển hạ tầng, góp phần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Hà Nội xây cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 bắc qua sông Hồng hơn 2.540 tỷ đồng (Ảnh: Đầu tư)

Năm 2023, thành phố Hà Nội có 238 dự án đầu tư công đang được đầu tư xây dựng, gồm 219 dự án chuyển tiếp và 19 dự án mới, trong đó lĩnh vực giao thông có 96 dự án với mức đầu tư trong năm 2023 là 7.520 tỷ đồng, chiếm 53,1% kế hoạch vốn.

Đến nay, các dự án, công trình trọng điểm giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn Thành phố vẫn duy trì nhịp độ thi công khẩn trương nhằm sớm hoàn thành các hạng mục, công trình theo kế hoạch đặt ra. Một số dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố như:

Dự án tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội: Có chiều dài 12,5 km, gồm 8,5 km đường trên cao và 4 km đi ngầm với tổng mức đầu tư 32,9 nghìn tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, tiến độ tổng thể chung của dự án đạt khoảng 76,5%, trong đó tiến độ thi công đoạn trên cao đạt 99%.

Dự án cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2): Khởi công tháng 01/2021 với tổng mức đầu tư hơn 2,5 nghìn tỷ đồng. Dự án đã bắt đầu thi công khối hợp long đầu tiên mang ký hiệu KN-1. Dự án đang được tập trung thi công các hạng mục còn

lại để hoàn thành toàn dự án vào 2/9/2023.

Dự án Cung Thiếu nhi Hà Nội: Khởi công tháng 3/2021 với tổng mức đầu tư hơn 1.376 tỷ đồng. Công trình được xây dựng tại Khu công viên và hồ điều hòa CV1 (thuộc Khu đô thị mới Cầu Giấy, nơi giáp ranh giữa quận Cầu Giấy và quận Nam Từ Liêm). Tổng diện tích dành cho dự án là 39,6 nghìn m2, trong đó diện tích xây dựng là 10,3 nghìn m2. Đến nay, dự án đã giải ngân đạt 61,4% kế hoạch vốn, dự kiến thời gian hoàn thành toàn dự án vào năm 2024.

Cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch: Khởi công tháng 10/2021, dự án cầu vượt có chiều dài hơn 300 m, rộng 9 m, giao thông hai chiều cho hai làn xe hỗn hợp với tổng mức đầu tư gần 150 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố Hà Nội. Sau gần 2 năm thi công, đến nay dự án cầu vượt chữ C nằm tại nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch đang bước vào giai đoạn cuối cùng, dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối tháng 6/2023.

Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô: Sáng 25/6/2023, Hà Nội tiến hành khởi công tại 4 địa điểm trên địa bàn Thành phố gồm: (1) Đường gom Đại lộ Thăng Long, thuộc địa phận xã Song Phương, huyện Hoài Đức; (2) Quốc lộ 2, thuộc địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn; (3) Trục phía Nam, xã Tam Hưng, Thanh Oai; (4) Quốc lộ 1A cũ, thuộc địa phận xã Văn Bình, huyện Thường Tín. Dự án có chiều dài 112,8 km, trong đó điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Dự án được chia thành 7 dự án thành phần, có tổng mức đầu tư dự kiến cho giai đoạn 1 khoảng 85,8 nghìn tỷ đồng.

Một số dự án, công trình giao thông trọng điểm khác như: xây dựng tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình với tổng mức đầu tư 5.249 tỷ đồng; dự án xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 với tổng vốn đầu tư 3.242 tỷ đồng; dự án xây dựng nút giao giữa đường vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long, huyện Hoài Đức có tổng mức đầu tư xây dựng công trình hơn 2.384 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2022-2026.

 Trong quý II, cùng với công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, Thành phố đã chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu, các đơn vị thi công tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, phát triển hạ tầng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6603166306409736