Nội dung này được đề cập trong báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, liên quan việc thực hiện một số Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4.
Theo đó Bộ Xây dựng đã rà soát 36 cơ quan Trung ương thuộc đối tượng quy hoạch để xây dựng phương án quy hoạch cụ thể, trong đó gồm 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ và 6 cơ quan Trung ương các đoàn thể.
Ảnh minh họa. (Ảnh: ITN)
Phương án di dời gồm 2 nhóm.
Một là nhóm cơ quan đã xây dựng trụ sở tại vị trí mới và cải tạo chỉnh trang tại chỗ, bao gồm 23 cơ quan, trong đó 8 cơ quan đã được bố trí quỹ đất và thực hiện đầu tư xây mới, và 15 cơ quan thực hiện cải tạo tại chỗ.
Hai là nhóm cơ quan đề xuất di dời gồm, 12-14 cơ quan.
Sau khi Bộ Xây dựng đề xuất phương án, Thủ tướng đã đồng ý chủ trương bố trí hệ thống trụ sở bộ ngành tập trung phát triển tại khu Tây Hồ Tây (khoảng 35ha) và một phần tại khu vực Mễ Trì.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã công bố đồ án quy hoạch trụ sở bộ ngành, các cơ quan Trung ương tại khu Tây Hồ Tây và Mễ Trì.
Theo đó, khu Tây Hồ Tây (quận Bắc Từ Liêm, Tây Hồ) có diện tích 35ha, bố trí tối đa 14 cơ quan. Các trụ sở làm việc có hình khối kiến trúc thống nhất, cao 12-25 tầng; các khối công cộng phụ trợ, dịch vụ thương mại cao 6-24 tầng về phía bắc và phía nam gắn với hai trục đường đô thị.
Khu Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) diện tích khoảng 55ha, không gian tổng thể là các cụm công trình cao từ 17 đến 25 tầng bao quanh khu đất, tiếp giáp với đại lộ Thăng Long.
Từ năm 2019, Bộ Xây dựng đã xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Thường trực Chính phủ về các phương án quy hoạch, xác định số lượng cơ quan cần di dời, địa điểm và phương án quy hoạch chi tiết, tổ chức thực hiện quy hoạch.
Ngày 20/4, Thủ tướng đã phê duyệt Đồ án Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030.
Ngoài ra, Chính phủ cho biết kế hoạch di dời các cơ sở giáo dục đại học, bệnh viện ra khỏi trung tâm Thủ đô Hà Nội theo quy hoạch sẽ do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế chủ trì đề xuất, trình Thủ tướng. Các cơ quan có liên quan và địa phương trong vùng Thủ đô hiện đang tích cực triển khai nhiệm vụ này.
Quỹ đất sau khi di dời trụ sở các bộ, ngành ra sao?
Tại hội thảo Thực trạng và giải pháp thực hiện hiệu quả Luật Thủ đô do Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội, nhiều chuyên gia đã cảnh báo việc di dời trụ sở các bộ ngành, cơ sở giáo dục, y tế, công nghiệp đang diễn ra tình trạng “bắt tay” với doanh nghiệp lấy đất xây cao ốc và như thế sẽ không giải quyết được việc giảm áp lực gia tăng dân số tại khu vực nội đô…
Ông Bùi Xuân Tùng – Phó Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho biết, sau 5 năm thực hiện Luật Thủ đô (có hiệu lực từ ngày 1/7/2013), nhiều cơ chế chính sách đặc thù cho thủ đô bước đầu đã giúp Hà Nội chủ động thu hút các nguồn lực để phát triển, tuy nhiên trong đó vẫn còn một số bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được ông Tùng chỉ rõ vì thiếu nguồn lực. Ông Tùng thông tin, đến nay danh mục, tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời vẫn được các bộ ngành triển khai, chưa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Vị này nhấn mạnh: Trong thời gian qua một số đơn vị đã di dời ra khu vực nội thành nhưng quỹ đất sau khi di dời phần lớn được sử dụng làm cơ sở 2, hoặc lập dự án đầu tư xây dựng, không bàn giao quy đất cho thành phố để quản lý, khai thác sử dụng vào phát triển.
Cùng vấn đề trên, TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định vấn đề di dời trụ sở các bộ ngành, cơ sở y tế, giáo dục, công nghiệp ra khỏi nội thành Hà Nội đã được đặt ra gần 20 năm qua, nhưng đến nay chưa làm được.
Theo Tạ Nhị/Diễn Đàn Sự Thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/6939936609399369/