Đình Thắng ·
1 năm trước
 1393

Tiền Giang: Xử lý hơn 16 tấn bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại Cai Lậy

Đặt mục tiêu phát triển hoạt động sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn đảm bảo được yếu tố bảo vệ môi trường, trong thời gian qua, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã liên tục tổ chức các đợt tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho nông dân.

Việc không thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường

Theo đó, từ những năm 50 của thế kỷ trước cho đến nay, trong hệ thống các biện pháp bảo vệ thực vật việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vẫn đóng một vai trò hết sức quan trọng, đôi khi còn là yếu tố quyết định trong việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp.

Tuy nhiên ngày càng xuất hiện tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật gây nhiều hệ lụy cho sản xuất, môi trường, môi sinh, sức khỏe cộng đồng do mất an toàn vệ sinh thực phẩm, đe dọa sự phát triển bền vững của nông nghiệp.

Thuốc bảo vệ thực vật có các ưu điểm là tác động nhanh, triệt để, dễ sử dụng nên có thể nhanh chóng hạn chế, dập dịch, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần quan trọng hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây nên, nâng cao lợi nhuận cho nhà nông.

Nhưng cần lưu ý đến một việc không nhỏ là nông dân thường xuyên vứt bỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng trên đồng ruộng. Tác động bất lợi của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thiếu trách nhiệm này sẽ gây ra những hệ lụy xấu, tiêu cực đến an toàn thực phẩm và môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Bởi trên thực tế, thuốc gây độc hại cho người và gia súc, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng, làm ô nhiễm môi trường, diệt cả côn trùng và vi sinh vật có ích, từ đó tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển, bùng phát mạnh hơn.

Dùng thuốc không đúng kỹ thuật, sẽ nhanh chóng tạo nên tính kháng thuốc của sâu bệnh. Thuốc bảo vệ thực vật nhiều khi còn để lại dư lượng độc hại trên nông sản làm ngộ độc người sử dụng giảm chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản trên. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật càng nhiều, càng rộng, càng không đúng kỹ thuật thì những nhược điểm, hạn chế, tiêu cực của thuốc càng lớn, càng nguy hại, nhất là chưa quản lý được việc vứt bỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng trên đồng ruộng, gây ô nhiễm và mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại xã Bình Phú, huyện Cai Lậy

Nhằm khuyến khích nông dân trên địa bàn tham gia vào hoạt động gìn giữ, bảo vệ môi trường, chung tay hành động vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững lâu dài, từ đầu năm 2022 cho đến nay, riêng huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã tiến hành tổ chức nhiều đợt thu gom, xử lý hơn 16 tấn bao bì thuốc bảo vệ thực vật đa dạng các loại.

Hàng năm, huyện này cũng phối hợp với nhiều đơn vị để tổ chức từ 02 - 03 đợt thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật.

Theo đó, trên toàn địa bàn huyện Cai Lậy đã xây dựng được hơn 1.230 bể dùng để chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng. Bên cạnh đó, tích cực vận động nông dân thu gom, xử lý đúng quy định, hạn chế tình trạng vứt bừa bãi ra khu vực vườn nhà, ruộng và xuống hồ, kênh, rạch.

Đồng thời, trong thời gian gần đây, nhằm giải quyết việc làm, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, huyện Cai Lạy đã chú trọng hơn trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn với các ngành nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp.

Năm 2022, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cai Lậy phối hợp các đoàn thể tổ chức 30 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây kiểng, trồng và nhân giống cây ăn quả, kỹ thuật trồng lúa công nghệ cao, kỹ thuật nuôi lươn không bùn và dạy nghề cắm hoa.

Qua các lớp dạy nghề, sẽ giúp các người dân trang bị được những kỹ năng, kiến thức xung quanh ngành để ứng dụng vào thực tế, tạo việc làm, nâng cao hiệu quả các mô hình sản xuất nông nghiệp.