Nguyễn Dũng ·
2 năm trước
 2671

Tiết lộ gây sốc về số ca tử vong liên quan đến ô nhiễm môi trường

Có một sự thật gây sốc là có đến hơn 12 triệu ca tử vong trên khắp thế giới liên quan đến các yếu tố rủi ro môi trường mỗi năm.

Theo giới chuyên gia môi trường, khí thải giao thông vận tải là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến gia tăng ô nhiễm không khí ở các đô thị và khiến khoảng 3,8 triệu ca tử vong sớm hàng năm.

Trợ lý Giám đốc Jarbas Barbosa của Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) nhấn mạnh rằng "Sức khỏe của hành tinh và sức khỏe của con người có mối liên hệ với nhau", Barbosa cho biết thêm rằng nhiệt độ cao và ô nhiễm không khí đã dẫn đến sự gia tăng các bệnh tim mạch và hô hấp.

ô nhiễm không khí

Khí thải giao thông vận tải là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến gia tăng ô nhiễm không khí ở các đô thị và khiến khoảng 3,8 triệu ca tử vong sớm hàng năm

Tại cuộc họp báo hàng tuần của PAHO ngày 27/10, Barbosa đã nhấn mạnh mối liên hệ giữa môi trường và sức khỏe. Tuần này, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc cho biết, trong khi các quốc gia đã hứa cắt giảm khí thải nhà kính, vẫn còn một khoảng cách rất lớn giữa những lời hứa đó và những gì cần thiết để tránh các hậu quả tồi tệ hơn của cuộc khủng hoảng khí hậu.

Cháy rừng và hạn hán đã dẫn đến mất mùa, ảnh hưởng đến sinh kế của lực lượng lao động nông nghiệp và gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực ở Châu Mỹ.

Các nhà lãnh đạo toàn cầu sẽ tập trung vào những giải pháp cho cuộc khủng hoảng khí hậu tại COP26, sau khi thế giới trải qua một mùa hè với thời tiết khắc nghiệt chết người. 

Ngoài cháy rừng và hạn hán, Mỹ còn bị lũ lụt và bão tàn phá. Trung Quốc và Đức cũng hứng chịu các trận lũ lụt chết người, trong khi Nam Âu phải đối mặt với cháy rừng.

Báo cáo của tổ chức mô tả biến đổi khí hậu là "mối đe dọa sức khỏe lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt", đồng thời đưa ra 10 hành động về khí hậu và sức khỏe được khuyến nghị.

Báo cáo đó tuân theo các hướng dẫn mới về chất lượng không khí của WHO, được công bố vào tháng 9, theo đó có thể ngăn chặn hàng triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Vật chất dạng hạt mịn, hay PM 2.5, là chất ô nhiễm nhỏ nhất nhưng cũng là chất nguy hiểm nhất. Khi hít phải, nó sẽ đi sâu vào mô phổi, nơi nó có thể đi sâu vào máu và góp phần gây bệnh hen suyễn, bệnh tim mạch và các bệnh đường hô hấp khác.

Những hướng dẫn đó cũng hỗ trợ nghiên cứu gần đây cho thấy ô nhiễm không khí rất có thể là một yếu tố góp phần vào gánh nặng sức khỏe do Covid-19 gây ra.

Theo kết quả một nghiên cứu mới đây được trình bày tại Đại hội châu Âu về Vi sinh lâm sàng và Bệnh truyền nhiễm, việc sống ở những khu vực ô nhiễm, bao gồm gần nơi có giao thông đông đúc có liên quan đến nguy cơ cao phải vào điều trị tại khoa hồi sức tích cực và nguy cơ cao phải thở máy khi nhiễm SARS- CoV-2.

Một nghiên cứu cũng cho thấy bệnh nhân Covid-19 sống ở những khu vực có nồng độ PM2.5 cao và nhiều sơn chứa chì thì có nguy cơ cao hơn phải thở máy và phải nằm điều trị tại khoa hồi sức tích cực so với những bệnh nhân sống ở những vùng lân cận ít ô nhiễm. Cụ thể, việc phơi nhiễm PM2.5 kéo dài có liên quan đến tăng 3 lần nguy cơ phải thở máy và tăng 2 lần nguy cơ phải nằm điều trị tại khoa hồi sức tích cực.