Hà Lan ·
2 năm trước
 3236

Tìm kiếm lời giải cho bài toán ngập úng tại TP.HCM

Hàng loạt các dự án với chi phí hàng chục nghìn tỉ đồng đã được triển khai nhằm chống ngập cho TP.HCM, thế nhưng, nhiều dự án chống ngập vẫn đang trong tình trạng “nằm chờ,” trì trệ.

Đến hẹn.. lại ngập

Những ngày trong tháng 5, hàng loạt các cơn mưa trái mùa đã khiến nhiều tuyến đường ở TP.HCM bị ngập dù lượng mưa không lớn. Có thể kể đến các tuyến đường Kha Vạn Cân, Quốc Hương, Tô Ngọc Vân (TP.Thủ Đức), Bình Lợi (quận Bình Thạnh), Phạm Văn Chiêu, Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp), Nguyễn Văn Quá (quận 12)... Trong đó, đường Tô Ngọc Vân (đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến đường Linh Đông, TP.Thủ Đức) bị ngập nặng nhất, có đoạn ngập quá nửa bánh xe. Các cơn mưa thường rơi đúng vào giờ tan tầm gây ùn tắc giao thông, hàng loạt xe chết máy, người dân “bì bõm” di chuyển về nhà.

Nói về câu chuyện ngập nước, có thể thấy, tình trạng này đã xảy ra trên địa bàn TP đã khá lâu. Nó thực sự là nỗi ám ảnh thường trực của người dân nơi đây mỗi khi mùa mưa đến. Đặc biệt khi mưa lớn mà kết hợp với triều cường thì đó còn là nỗi sợ hãi bởi mọi sinh hoạt của người dân đều bị đảo lộn, ảnh hưởng tới việc đảm bảo an toàn, vấn đề vệ sinh môi trường…

Người dân vất vả lưu thông trên tuyến đường bị ngập

Người dân vất vả lưu thông trên tuyến đường bị ngập. 

Theo các hộ dân, năm nay mùa mưa đến quá sớm, mưa đầu mùa nhưng lại to và dai dẳng khiến người dân chưa kịp chuẩn bị dựng cửa chắn nước, gia cố mái tôn.

Tuy khu vực phường 14, Quận 8 không phải “rốn ngập” của TP nhưng gặp mưa quá to vẫn ngập nước. Những năm gần đây, tình trạng ngập ngày càng nghiêm trọng hơn nhưng chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả. 

Mong ngóng công trình chống ngập

Năm 2018, TP.HCM đã cho khảo sát, dự tính xây 7 hồ điều tiết ngầm tại nhiều vị trí để chống ngập. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có hồ điều tiết nào được triển khai xây dựng. Trong đó, dự án cải thiện hệ thống thoát nước trên đường Võ Văn Ngân (TP.Thủ Đức) được người dân chờ đợi, và đến tháng 10/2020 mới được khởi công. Theo quy mô, các đơn vị sẽ xây dựng lại hệ thống thoát nước có chiều dài 2,5 km, giá trị dự toán hơn 129 tỉ đồng, dự kiến thời gian hoàn thành trong 17 tháng. Vậy nhưng, đến thời điểm này, dự án vẫn… án binh bất động!

Trong khi đó, dự án chống ngập do Tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư với tổng nguồn vốn gần 10.000 tỉ đồng, gồm 6 cống ngăn triều (Bến Nghé, Cây Khô, Mương Chuối, Phú Định, Phú Xuân và Tân Thuận), với mục tiêu kiểm soát ngập cho diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân phía bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP, được khởi công từ tháng 6/2016, dự kiến hoàn thành trong 36 tháng. Dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), đã thi công 90% khối lượng công việc nhưng đang đứng trước nguy cơ dừng thi công do vướng mắc về ký kết phụ lục hợp đồng, thủ tục thanh toán…

Công trình chống ngập 10.000 tỉ của TP.HCM.

Công trình chống ngập 10.000 tỉ của TP.HCM. 

Theo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (thuộc Sở Xây dựng TP.HCM), trong giai đoạn 2016-2020, tổng kinh phí đã đầu tư cho công tác chống ngập của TP là 25.998 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách TP đầu tư cho hoạt động chống ngập là 7.047 tỉ đồng; các dự án giải quyết ngập theo hình thức PPP là 9.927 tỉ đồng; dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 2 là 9.024 tỉ đồng.

Nhận định về việc ngập hiện hữu tại TP.HCM, ông Vũ Văn Điệp - Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (Sở Xây dựng TP.HCM) đánh giá tình trạng ngập ở TP.HCM thời gian qua còn do các yếu tố khách quan (dân số tăng nhanh, biến đổi khí hậu khiến triều và mưa tăng) và chủ quan. Trong các yếu tố chủ quan có việc chậm triển khai các công trình chống ngập.

“Tiến độ các dự án còn chậm, đạt khoảng 46% theo quy hoạch tổng thể thoát nước TP.HCM đến năm 2020 (Quy hoạch 752) và khoảng 10% theo quy hoạch thủy lợi chống ngập úng TP.HCM (Quy hoạch 1547) khi công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, nguồn vốn không đảm bảo” - ông Điệp đánh giá.

Ngoài ra, nguyên nhân khiến các dự án còn chậm tiến độ theo đại diện Sở Xây dựng đó là tình trạng xây dựng lấn chiếm, xả rác làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước, kênh rạch. Quá trình đô thị hóa dọc theo các tuyến đường diễn ra nhanh chóng, hạ tầng thoát nước chưa kịp phát triển theo quy hoạch gây ra tình trạng ngập úng.

Đối với những dự án phát triển đô thị, khu dân cư mới, khi thực hiện đầu tư đã san lấp làm mất diện tích thấm, khả năng trữ nước tự nhiên của kênh rạch nhưng chưa thực hiện bù lại diện tích thấm, thoát nước tự nhiên.

Đồng thời, công tác kêu gọi đầu tư dự án đang gặp nhiều khó khăn, khả năng huy động vốn ODA bị thu hẹp, chưa có cơ chế thu hút huy động các nguồn vốn khác ngoài ngân sách.

Cũng cho ý kiến về vấn đề này, PGS.TS Hồ Long Phi - nguyên Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu thuộc ĐHQG TP.HCM, cho rằng, từ hàng chục năm qua, việc đô thị hóa luôn đi trước, còn hệ thống thoát nước lại bao cấp và phải chạy theo để đối phó. Bây giờ đô thị hóa tới đâu, hệ thống thoát nước phải đi tới đó, có gắn trách nhiệm của nhà đầu tư hoặc tính chi phí chống ngập thành tiền để họ chi trả.

“Tôi cho rằng phải xóa bỏ bao cấp trong việc chống ngập thì mới giải quyết được vấn đề căn cơ. Khi có cơ chế tính đúng, tính đủ, tư nhân cũng sẽ tự động tham gia và xã hội hóa được việc này” - ông Phi nói.

GS.TSKH Lê Huy Bá, chuyên gia đô thị - môi trường, cho rằng, để đồng bộ quy hoạch và đẩy nhanh tiến độ các dự án chống ngập, TP cần tháo gỡ được những vấn đề khó khăn về nguồn lực và quan tâm tính liên kết giữa các công trình thoát nước để đạt hiệu quả cao. Làm được những điều này, nhất định phải thực hiện hợp tác đa ngành, trong đó cần một bộ phận đủ quyền hành, nguồn lực và chịu trách nhiệm trực tiếp điều phối các ban, ngành cùng tham gia.

12 dự án chống ngập sắp được khởi công

Theo Sở Xây dựng TP, kế hoạch tám tháng cuối năm TP sẽ khởi công 12 dự án, trong đó 11 dự án xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước các tuyến đường.

Cụ thể, ở TP.Thủ Đức có ba dự án lớn được khởi công, gồm dự án đường số 8 (phường Phước Bình), lắp đặt cống thoát nước, tái lập phui đào, thảm nhựa mặt đường với tổng vốn 120 tỉ đồng; dự án lắp đặt cống, tái lập phui đào và thảm nhựa mặt đường đường Nguyễn Duy Trinh, đoạn từ đường 990 đến cầu Võ Khế, tổng mức đầu tư lên đến 300 tỉ đồng; dự án cải tạo cống thoát nước, giảm ngập đường Lã Xuân Oai (từ đường Lê Văn Việt đến đường 102) với tổng vốn đầu tư hơn 35 tỉ đồng.

Tại quận 11 sẽ triển khai hai dự án có tổng số vốn hơn 100 tỉ đồng, gồm dự án đường Hàn Hải Nguyên (từ đường Minh Phụng đến đường 3/2), dự án rạch Đầm Sen (từ chùa Giác Viên đến kênh Tân Hóa). Quận 6 có một dự án 100 tỉ đồng là dự án đường Lý Chiêu Hoàng (từ đường Nguyễn Trãi đến đường Phan Chu Trinh). Quận 5 khởi công dự án đường Triệu Quang Phục (từ đường Hồng Bàng đến đường Hải Thượng Lãn Ông) lắp đặt cống hộp, tái lập phui đào và thảm nhựa mặt đường, tổng vốn đầu tư gần 61 tỉ đồng. Quận 12 có dự án đường Tô Ký (từ đường Nguyễn Ảnh Thủ đến đường Trung Mỹ Tây) gần 78 tỉ đồng.

Ngoài ra, tại huyện Nhà Bè sẽ triển khai dự án đường Nhơn Đức - Phước Lộc (từ đường Lê Văn Lương đến đường Đào Sư Tích); huyện Hóc Môn có dự án đường Dương Công Khi (đoạn từ quốc lộ 22 đến cây xăng dầu COMECO); huyện Củ Chi có dự án đường hương lộ 2 (từ quốc lộ 22 đến đường Hồ Văn Tăng).

Ngoài 11 dự án này, TP cũng sẽ khởi công xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè có giá trị 307 triệu USD. Đây là gói thầu quan trọng nhất của dự án vệ sinh môi trường (giai đoạn 2).

Thông tin từ Tạp chí Kinh tế Môi trường Việt Nam