Từ đầu năm đến nay, mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt thúc đẩy việc đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nhưng số dự án được khởi công xây dựng mới 10 tháng qua vẫn đếm trên đầu ngón tay.
Theo Bộ Xây dựng, trong 10 tháng đầu năm 2023, cả nước có 10 dự án nhà ở xã hội được khởi công xây dựng mới.
Trong đó, có 7 dự án nhà ở xã hội đã được khởi công xây dựng bao gồm: 4 dự án nhà ở xã hội được khởi công tại Hải Phòng (6.707 căn hộ), 1 dự án khởi công tại Hà Nội (720 căn hộ), 1 dự án tại Lâm Đồng (303 căn hộ), 1 dự án tại Thừa Thiên Huế (1.085 căn hộ).
Có 3 dự án nhà ở công nhân được khởi công xây dựng trong 10 tháng vừa qua, bao gồm: 1 dự án tại Hải Phòng (2.538 căn hộ), 1 dự án tại Bình Định (1.500 căn hộ), 1 dự án tại Bắc Giang (7.000 căn hộ).
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Về nguồn cung nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho hay, đã có 465 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp được triển khai đầu tư có quy mô xây dựng khoảng 412.845 căn hộ.
Tuy vậy trong số này mới có 46 dự án được hoàn thành, 110 dự án đã khởi công xây dựng nhưng chưa hoàn thành, và đến 309 dự án đang dừng ở khâu chấp thuận chủ trương đầu tư.
Về giải ngân các gói hỗ trợ vay vốn cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Bộ Xây dựng cho biết hiện có 3 gói hỗ trợ ưu đãi đang được các ngân hàng triển khai.
Đó là gói hỗ trợ cho khách hàng cá nhân vay để mua, thuê nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với quy mô 15.000 tỷ đồng nằm trong chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, hiện đã được giải ngân khoảng 8.500 tỷ đồng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội.
Và có khoảng 24 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ trên cả nước được phê duyệt vay khoảng 7.500 tỷ đồng vốn ưu đãi theo nghị định 31 năm 2022 của Chính phủ.
Về việc giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ 4 ngân hàng thương mại nhà nước, tính đến hết tháng 10 đã có 20 tỉnh, thành phố phê duyệt danh mục 52 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đủ điều kiện vay vốn ưu đãi, nhu cầu vay khoảng 25.800 tỷ đồng.
Tuy vậy, con số giải ngân từ gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng đến nay giải ngân được 83,1/1.095 tỷ đồng. Trong đó: Công ty Minh Phương tại Phú Thọ (23,7/95 tỷ đồng); Công ty Kinh Bắc tại Bắc Ninh (46/50 tỷ đồng); Liên doanh Công ty CP nhà số 6 Hà Nội và Công ty CP tư vấn Toàn Cầu (13,4/950 tỷ đồng).
Xuất hiện tình trạng ế nhà ở xã hội?
Tại một số thành phố lớn, nguồn cung nhà ở xã hội được cho là khan hiếm, ở TP HCM, một số dự án được xây dựng xong lại không bán được.
Sở Xây dựng TP HCM mới đây đã có báo cáo về thực trạng nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố. Từ năm 2021 đến nay, TP HCM chỉ mới hoàn thành đưa vào sử dụng 1 dự án, quy mô 260 căn; 6 dự án nhà ở xã hội đang thi công với quy mô 4.077 căn; 1 dự án nhà lưu trú công nhân với quy mô 1.040 căn. Như vậy, từ nay đến cuối năm 2025, Thành phố phải phát triển thêm 2,06 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân (29.623 căn hộ) theo mục tiêu đã đề ra.
Phát biểu tại Hội thảo tháo gỡ vướng mắc cho nhà ở xã hội mới đây, ông Võ Minh Hoàng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhà ở xã hội TP HCM cho hay, Trước đây, doanh nghiệp làm nhà ở thương mại, trong quá trình phát triển thị trường nhận thấy nhu cầu có nhà của người dân rất lớn, nhưng nguồn cung không đáp ứng đủ các phân khúc khách hàng. Nhiều công nhân, công chức, cán bộ chiến sỹ có nhu cầu nhà ở mà chưa đáp ứng được.
Cũng theo ông Hoàng, nhà nước dành ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội, tuy vậy nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được. Khi chưa tham gia làm nhà ở xã hội đã thấy khó, khi tham gia lại càng thấy khó hơn. Bên cạnh vốn, còn gặp khó khăn về quỹ đất. Doanh nghiệp có đủ tiềm lực tài chính và sẵn sàng tham gia, nhưng rất khó tiếp cận quỹ đất phát triển nhà ở xã hội..
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7076953709030991/?