Thành Vũ ·
1 năm trước
 8957

TKV sẽ đầu tư các nhà máy alumin, luyện nhôm mới tại Đắk Nông

Cùng với việc mở rộng nâng công suất Nhà máy Alumin Nhân Cơ hiện có lên 2 triệu tấn/năm, Tập đoàn Công nghiệp - Than khoáng sản Việt Nam (TKV) sẽ đầu tư các nhà máy alumin, luyện nhôm mới.

TKV sẽ đầu tư hơn 31.000 tỷ đồng 

Với mục tiêu phát triển ngành Công nghiệp bauxite - alumin - nhôm theo hướng đồng bộ, hiện đại, bền vững, TKV đang tập trung nguồn lực cho việc xây dựng, triển khai các dự án đầu tư tại Đắk Nông.

Theo kế hoạch, cùng với việc mở rộng nâng công suất Nhà máy Alumin Nhân Cơ hiện có lên 2 triệu tấn/năm, Tập đoàn Công nghiệp - Than khoáng sản Việt Nam (TKV) sẽ đầu tư các nhà máy alumin, luyện nhôm mới.

TKV phấn đấu sau năm 2030 sẽ nâng tổng sản lượng alumin lên 6-8 triệu tấn/năm và sản xuất 0,45-0,9 triệu tấn nhôm thỏi/năm.

TKV sẽ đầu tư các nhà máy alumin, luyện nhôm mới tại Đắk Nông. (Ảnh minh họa).

Nguồn quặng cho các nhà máy alumin sẽ huy động từ các mỏ đã được thăm dò, phê duyệt trữ lượng như: Nhân Cơ, Gia Nghĩa, Gia Nghĩa 2, Bắc Gia Nghĩa, Tuy Đức, Đắk Song, Đông Bắc và Tây Nam mỏ “1-5”, mỏ Trung tâm “1-5”, Quảng Sơn và các mỏ sẽ đầu tư thăm dò bổ sung (mỏ Đông Nam Quảng Sơn, và khu vực Đắk Nia).

Đối với việc đầu tư nâng công suất Nhà máy alumin Nhân Cơ lên 2 triệu tấn/năm với tổng mức đầu tư khoảng 31.167 tỷ đồng sẽ gồm có 4 dự án gồm: Dự án cải tiến hiệu suất, nâng công suất Nhà máy Alumin Nhân Cơ; Dự án mở rộng, nâng công suất khai thác mỏ Nhân Cơ; Dự án mở rộng, nâng công suất nhà máy alumin Nhân Cơ; Dự án khai thác mỏ Gia Nghĩa, Gia Nghĩa 2, Bắc Gia Nghĩa.

Thời gian bắt đầu chuẩn bị đầu tư (bao gồm cả 4 dự án) từ tháng 9/2023. Thời gian hoàn thành đưa vào vận hành các dự án từ năm 2025 đến năm 2029.

Hướng đến phát triển bền vững ngành khai khoáng

Với trữ lượng khoảng 5,4 tỷ tấn bauxite nguyên khai, Đắk Nông có lợi thế tự nhiên đặc biệt quan trọng trong việc thu hút phát triển ngành công nghiệp alumin. Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ là một trong hai dự án thí điểm của ngành khai thác chế biến quặng bauxite để sản xuất alumin tiến tới sản xuất nhôm. Dự án có quy mô lớn, tác động đến việc thúc đẩy kinh tế-xã hội cho địa phương, khu vực và ở cả quy mô quốc gia.

Trong 8 tháng năm 2022, Nhà máy alumin Nhân Cơ đạt sản lượng alumin quy đổi hơn 500 nghìn tấn, hoạt động tiêu thụ khá thuận lợi, đơn giá xuất khẩu dao động từ 390 đến 470 USD/tấn, có thời điểm lên hơn 530 USD/tấn.

Đây là tiền đề quan trọng góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Công ty Nhôm Đắk Nông-TKV. Trên cơ sở tiềm năng và thực tế hoạt động của dự án, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông đã kiến nghị Chính phủ ban hành kế hoạch hành động, quy hoạch khoáng sản quốc gia để xem xét cho chủ trương đầu tư tổ hợp bauxite-alumin-nhôm; cơ chế đầu tư năng lượng tái tạo song song với chế biến sâu bauxite.

Tháng 2/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về chiến lược ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2045, với định hướng: Áp dụng mô hình quản trị tài nguyên khoáng sản minh bạch, hiệu quả của thế giới; tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của địa phương, người dân nơi khai thác khoáng sản; lượng hóa và hạch toán đầy đủ giá trị tài nguyên khoáng sản vào nền kinh tế.

Nghị quyết cũng nêu rõ: "Ưu tiên cấp phép dự án khai thác khoáng sản cho tổ chức, doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại gắn với địa chỉ sử dụng khoáng sản; cải tạo, mở rộng nâng cấp các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản, thu hồi tối đa khoáng sản chính, các khoáng sản đi kèm, bảo vệ môi trường sinh thái theo mô hình kinh tế tuần hoàn".

Mới đây, ngày 17/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký quyết định phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu tổng quát của quy hoạch là tài nguyên khoáng sản được quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường.

Đối với các loại khoáng sản có trữ lượng lớn, chiến lược, quan trọng, các doanh doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ phải có đủ năng lực khai thác, chế biến. Đối với các mỏ trữ lượng thấp, phân tán, Chính phủ hạn chế và tiến tới chấm dứt khai thác.

Chính phủ xác định rõ mục tiêu đối với một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn, chiến lược trong giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, quy hoạch bauxite là khoáng sản tỉnh Đắk Nông nói riêng, một số tỉnh Tây Nguyên đặc biệt quan tâm.

Theo đánh giá của các chuyên gia, để phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các ngành công nghiệp chính là cốt lõi cần được ưu tiên. Việc khai thác một cách hợp lý, hiệu quả tiềm năng về khoáng sản nhằm tự chủ nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong nước, tránh phụ thuộc vào bên ngoài, nhất là trong bối cảnh hiện nay chính là mục tiêu cả trước mắt lẫn lâu dài nhằm thúc đẩy phát triển lĩnh vực luyện kim một cách bền vững.