Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc (LHQ), vừa đưa ra cảnh báo tình trạng lo ngại về biến đổi khí hậu, các thảm họa thiên nhiên đã tăng gấp 5 lần trong nửa thế kỷ qua và gây thiệt hại gấp 7 lần so với những năm 1970.
Thiên tai tăng gấp 5 lần trong 50 năm qua
WMO đã nghiên cứu số liệu từ hơn 11.000 thảm họa thiên nhiên trong nửa thế kỷ qua. Những năm 1970, trung bình mỗi năm có hơn 700 hiện tượng thiên tai, trong khi từ năm 2000 đến 2009, mỗi năm ghi nhận hơn 3.500 vụ, tương đương với khoảng 10 vụ mỗi ngày.
Trong những năm 2010, trung bình mỗi năm ghi nhận 3.165 vụ thiên tai. Số người thiệt mạng trong những năm gần đây có giảm so với thời kỳ cách đây 50 năm. Trong những năm 1970 và 1980, thảm họa tự nhiên làm chết trung bình khoảng 170 người mỗi ngày trên toàn thế giới, trong khi con số này vào năm 2010 chỉ là 40 người.
Cháy rừng tại Australia gây thiệt hại nặng về người và của năm 2021. (Ảnh minh họa).
Các hiện tượng như bão, lũ lụt và hạn hán là nguyên nhân gây ra nhiều ca tử vong và thiệt hại nhất trong 50 năm qua. Đáng chú ý, hơn 90% trong số khoảng 2 triệu người thiệt mạng vì thiên tai được LHQ xác định là ở các nước đang phát triển trong khi 60% thiệt hại kinh tế lại được ghi nhận ở các nước giàu có hơn. Nửa thế kỷ trước, các thảm họa thời tiết gây thiệt hại toàn cầu khoảng 175 triệu USD mỗi năm. Con số này tăng lên trung bình 1,38 tỉ USD trong những năm 2010.
Các quan chức về khí hậu của LHQ cho rằng, mức độ tàn phá của các hiện tượng thời tiết cực đoan tăng dần theo thời gian là do ngày càng có nhiều người chuyển đến những khu vực có nguy cơ cao trong khi biến đổi khí hậu đang khiến thiên tai trở nên khốc liệt và diễn ra thường xuyên hơn.
Trong cuộc họp báo ngày 1/9, Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas nhận định rằng “báo cáo đưa ra một tin tốt và một tin xấu, về mặt tích cực, số lượng người thương vong do các thảm họa thiên nhiên giảm đáng kể bất chấp thiên tai xảy ra ngày một thường xuyên và khốc liệt hơn, từ nắng nóng bất thường, lũ lụt, hạn hán hay những siêu bão trên khắp Trái Đất. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm, khi chỉ có 50% trong số 193 quốc gia thành viên của tổ chức này hiện có hệ thống cảnh báo sớm các nguy cơ tiềm ẩn”.
Báo cáo của WMO cũng cảnh báo rằng vẫn còn tồn tại những lỗ hổng nghiêm trọng trong mạng lưới quan trắc thời tiết và khí tượng thủy văn tại châu Phi, nhiều nước ở khu vực Mỹ La-tinh, tại Thái Bình Dương cũng như các đảo quốc ở Caribe.
Nhiều hệ lụy từ thiên tai
Theo thống kê, trong các năm 2010 - 2019, các thảm họa thiên tai gây thiệt hại ước tính 383 triệu USD mỗi ngày, gấp 7 lần so với mức thiệt hại trung bình 49 triệu USD/ngày trong thập niên 70 của thế kỷ trước. Đáng chú ý, chỉ riêng năm 2017 đã hứng chịu 3 thảm họa lớn là các siêu bão Harvey, Maria và Irma, gây thiệt hại kinh tế lần lượt là 97 tỉ USD, 70 tỉ USD và gần 60 tỉ USD.
Trận lũ lịch sử tại Trung Quốc gây ra nhiều thiệt hại. (Ảnh minh họa)
5 thảm họa thời tiết gây thiệt hại về tài sản lớn nhất kể từ năm 1970 đều là những cơn bão ở Mỹ, đứng đầu là cơn bão Katrina năm 2005 với thiệt hại tổng cộng lên đến 163 tỉ USD. 5 thảm họa thời tiết gây ra nhiều thương vong nhất là ở châu Phi và châu Á, trong đó, đứng đầu là hạn hán và nạn đói ở Ethiopia vào giữa những năm 1980 khiến 1,2 triệu người chết, và cơn bão Bhola ở Bangladesh vào năm 1970 khiến hơn 500 nghìn người thiệt mạng.
Bà Mami Mizutori, người đứng đầu Văn phòng LHQ về giảm thiểu rủi ro thiên tai, đánh giá cao vai trò của các hệ thống cảnh báo sớm hiện đại, qua đó giúp đảm an toàn sinh mạng cho người dân. Tuy nhiên, bà lưu ý rằng số lượng người gặp rủi ro thiên tai đang gia tăng do dân số tăng ở các khu vực có nguy cơ cao cũng như do cường độ và tần suất xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng cao.
WMO hy vọng rằng những phân tích chi tiết về từng khu vực sẽ giúp Chính phủ các nước đưa ra các chính sách kịp thời nhằm bảo vệ người dân cũng như tránh thiệt hại tài sản do thiên tai, đang tăng dần về cường độ và mức độ tàn phá.