Thành Phong ·
1 năm trước
 3483

Tổng thư ký Liên hợp quốc cảnh báo trước "thảm họa khí hậu" mà thế giới đang sắp phải đối mặt

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo các nước đang đứng trước lựa chọn khốc liệt, giữa một bên là hợp tác giảm khí thải và một bên là đẩy các thế hệ tương lai vào thảm họa khí hậu.

Các quốc gia cần hành động mạnh mẽ hơn nữa

Phát biểu trong khuôn khổ ngày làm việc thứ hai của Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã có những phát biểu cảnh báo mạnh mẽ về tình trạng khủng hoảng khí hậu hiện nay.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo các nước đang đứng trước lựa chọn khốc liệt, giữa một bên là hợp tác giảm khí thải và một bên là đẩy các thế hệ tương lai vào thảm họa khí hậu. Ông kêu gọi cần có một hiệp ước giữa các nước giàu nhất và các nước nghèo nhất để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch và tăng tốc phân phối nguồn tài chính cần thiết để đảm bảo các nước nghèo có thể giảm khí thải và ứng phó với những tác động không thể tránh khỏi của tình trạng ấm lên toàn cầu hiện nay.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres tại COP26. (Ảnh: Reuters)

Ông Guterres nêu rõ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc có trách nhiệm đặc biệt trong tham gia nỗ lực đưa ra được hiệp ước như vậy.

Lãnh đạo Liên hợp quốc kêu gọi các quốc gia nhất trí dần ngưng sử dụng than đá, một trong những nhiên liệu nhiều carbon nhất, trên phạm vi toàn cầu vào năm 2040, trong đó các thành viên Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đạt mục tiêu này sớm hơn là vào năm 2030.

Ông Guterres nhấn mạnh dù các hội nghị khí hậu đã kéo dài nhiều thập kỷ và đây đã là COP lần thứ 27 nhưng những tiến bộ đạt được trong tiến trình này không đủ cứu Trái Đất thoát khỏi tình trạng nóng lên quá mức khi mà các quốc gia hành động quá chậm hoặc còn lưỡng lự.

Người đứng đầu Liên hợp quốc nêu rõ khí thải nhà kính vẫn tiếp tục tăng, nhiệt độ toàn cầu vẫn không ngừng tăng lên và Trái Đất đang di chuyển ngày càng nhanh đến những điểm tới hạn mà khí hậu sẽ biến đổi một cách không thể đảo ngược.

Ông Guterres cảnh báo “thế giới đang đạp chân ga lao trên cao tốc dẫn tới địa ngục khí hậu.”

Những con số vẫn còn "bỏ lửng"

Vào năm ngoái, các quốc gia phát triển đã hứa sẽ tăng gấp đôi tài trợ cho các chương trình thích ứng với khí hậu lên mức 40 tỷ USD/năm, đến năm 2025. Tuy nhiên, con số 40 tỷ USD cũng mới chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số 300 tỷ USD hằng năm mà các nước đang phát triển cần để thích ứng với biến đổi khí hậu vào năm 2030.

Không chỉ vậy, năm 2009, các quốc gia giàu có đã cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm bắt đầu từ năm 2020 cho hành động khí hậu ở các nước đang phát triển. Nhưng các nước phát triển hiện nói rằng họ sẽ không đáp ứng cam kết đó cho đến năm 2023. Theo LHQ, chỉ có 79,6 tỷ USD cho tài chính khí hậu đã được cung cấp, ít hơn nhiều so với 340 tỷ/năm ước tính cần thiết để thích ứng với biến đổi khí hậu vào năm 2030.

Các cuộc đàm phán phức tạp hơn dự kiến bàn về hậu quả kinh tế từ cuộc chiến tại Ukraine và những lo lắng ngày càng tăng về an ninh năng lượng, đặc biệt là khi bắc bán cầu bước vào mùa Đông. Lo ngại về tình trạng thiếu điện đã khiến một số quốc gia tăng cường sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch và mở lại các nhà máy nhiệt điện than. Đại dịch Covid-19 cũng đang tiếp tục phủ bóng đen dài, với nguồn tài chính cạn kiệt của các quốc gia khiến dư địa chi tiêu cho hành động khí hậu trở nên ít hơn.

Đáng báo động, các cam kết trước đây của các nước tham dự COP dường như vẫn chỉ là lời hứa suông. Thỏa thuận khí hậu Paris, được ký kết vào năm 2015 tại COP21, cam kết hạn chế nhiệt độ tăng lên 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp. Tuy nhiên, thế giới đang đi chệch hướng, hướng tới mức tăng khoảng 2,5 độ C vào cuối thế kỷ này - theo một báo cáo của LHQ hồi tháng 10 vừa qua. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã gọi đây là “một quỹ đạo thảm khốc”.

COP27, dự kiến khó có thể đạt được một ký kết lịch sử như Thỏa thuận Paris (2015) hay Nghị định thư Kyoto (1997), đã được Tổng thống Ai Cập gắn nhãn là “COP thực thi”, với mục tiêu biến các cam kết khí hậu trong quá khứ thành hiện thực.

“COP27 là cơ hội để chuẩn bị cho đợt rà soát toàn cầu đầu tiên vào năm 2023, sẽ đánh giá quá trình thực hiện Thỏa thuận Paris. Vấn đề là xác định tiêu chí nào sẽ được sử dụng để đo lường tiến độ đã đạt được”- Clément Sénéchal, nhà vận động khí hậu của tổ chức Green Peace nhận định, trước khi khởi hành đến Ai Cập tham dự COP27.