Huyền My ·
2 năm trước
 3634

TP.HCM: Đề xuất hủy bỏ dự án đã đăng ký kế hoạch sử dụng đất quá 3 năm nhưng không thực hiện

Để tháo gỡ các vướng mắc trong công tác thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các dự án, huyện Cần Giờ đã đề xuất, hủy bỏ các dự án quá 3 năm đăng ký vào kế hoạch sử dụng đất nhưng không thực hiện.

Ngày 23/8, Đoàn giám sát về việc thực hiện công tác thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các dự án đã có Nghị quyết của HĐND TP.HCM đã có buổi làm tại huyện Cần Giờ. Đoàn giám sát do bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM làm trưởng đoàn.

Tại buổi làm việc, ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, từ khi có Nghị quyết HĐND TP.HCM, huyện có 97 dự án cần thu hồi đất; 30 dự án cần thu hồi đất và có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên 10ha; 4 dự án thu hồi và có chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ dưới 20 ha trên địa bàn huyện có trong danh mục Nghị quyết của HĐND TP. HCM.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, việc thực hiện Kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện luôn đảm bảo trình tự, thủ tục và công bố, công khai theo quy định. Hiện nay, huyện Cần Giờ đang chờ Thành phố phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 cấp huyện để tổ chức thực hiện và công bố theo quy định.

Nhiều dự án chậm triển khai hàng chục năm tại huyện Cần Giờ

 

Qua rà soát về các dự án trên địa bàn huyện Cần Giờ, trong năm 2020, huyện đã đề xuất, hủy bỏ 50 dự án quá 3 năm đăng ký vào Kế hoạch sử dụng đất. Trong đó có 45/50 dự án này là dự án đầu tư công đã nghiệm thu vào sử dụng, nhưng chưa lập thủ tục xin giao đất; 5/50 dự án là các khu dân cư đã hình thành lâu năm và người dân đã ở ổn định hơn 10 năm qua thuộc trong đề án di dời tái định cư 1.280 hộ, do pháp lý đầu tư các khu dân cư trước đây chưa được đảm bảo theo quy trình thủ tục pháp luật, nên đang xin chủ trương của UBND TP.HCM. Đồng thời, việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đặt biệt tại các khu dân cư thuộc Đề án di dời 1.280 hộ dân.

Cũng tại buổi giám sát, ông Trương Tiến Triển đề nghị UBND TP.HCM sớm xem xét thông qua và phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện để có cơ sở thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Đồng thời cũng như có cơ sở pháp lý để huyện thực hiện các nội dung của kế hoạch sử dụng đất hàng năm, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ  cũng đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các sở, ngành quan tâm hỗ trợ, bố trí nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như: giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao... nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của nhân dân; đồng thời, hướng dẫn thực hiện đối với các nội dung còn bất cập, chưa đồng bộ trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để làm cơ sở tổ chức thực hiện.

Sau khi nghe báo cáo, kiến nghị của UBND huyện Cần Giờ, các đại biểu tham gia buổi giám sát cho rằng, đa số các dự án trên địa bàn huyện thu hồi đất, xây dựng khu tái định cư còn chậm; công tác phối hợp giữa giải quyết hồ sơ bồi thường giải phóng mặt bằng chưa kịp thời, hiệu quả… đồng thời, quá trình triển khai công tác bồi thường có trường hợp không đồng ý ranh giải tỏa dự án, đề nghị điều chỉnh ranh dự án, không phối hợp đo đạc kiểm kê xác lập hồ sơ bồi thường. Bên cạnh đó, tiến độ hoàn thành Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 chậm, dẫn đến kế hoạch sử dụng đất hàng năm không đáp ứng nhu cầu thực tế. Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 thực hiện song song với quy hoạch vùng huyện còn nhiều bất cập.

Bà Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Cần Giờ. Ảnh Thành ủy TP.HCM

 

Phát biểu kết luận tại buổi giám sát, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM thông tin, trong thời gian từ năm 2016 đến tháng 8/2022, HĐND TP.HCM đã ban hành 10 Nghị quyết về thông qua danh mục dự án cần thu hồi đất, dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ với hàng ngàn dự án; đồng thời, cũng đã có Nghị quyết về thông qua Danh mục hủy bỏ 61 dự án cần thu hồi đất, dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn Thành phố.

Chủ tịch HĐND TP.HCM nhận định, sau khi các Nghị quyết của HĐND Thành phố đã ban hành, việc triển khai, tổ chức thực hiện vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, dẫn đến phải thông qua Danh mục hủy bỏ dự án.

“Vẫn còn nhiều dự án chậm triển khai hoặc không triển khai theo Nghị quyết của HĐND Thành phố nhưng chưa được đề xuất hủy bỏ, chưa đánh giá được các nguyên nhân cụ thể, từ đó, có giải pháp để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới”, bà Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Lệ cũng cho rằng, qua báo cáo UBND huyện Cần Giờ và Ban Quản lý Rừng phòng hộ so với các Nghị quyết của HĐND Thành phố chưa đầy đủ và chưa thống nhất về các dự án đã được Nghị quyết của HĐND Thành phố thông qua. Điều đó cho thấy, công tác quản lý, triển khai và theo dõi tiến độ các dự án đã có Nghị quyết của HĐND Thành phố chưa đảm bảo chặt chẽ.

Do đó, Chủ tịch HĐND TP.HCM đề nghị UBND huyện Cần Giờ rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh lại báo cáo, đảm bảo thể hiện đầy đủ dự án theo danh mục các dự án đã có Nghị quyết của HĐND Thành phố thông qua; đồng thời, cần nắm chắc lại tiến độ triển khai, lý do chậm triển khai, không triển khai và đề xuất kiến nghị cụ thể, nhất là kiến nghị, đề xuất hủy bỏ đối với các dự án đã đăng ký kế hoạch sử dụng đất quá 3 năm nhưng không thực hiện.

Đồng thời, bà Nguyễn Thị Lệ đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cần nắm chắc và kiểm tra kỹ trước khi tham mưu trình UBND TP.HCM để trình HĐND Thành phố thông qua các Danh mục dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cũng như Danh mục hủy bỏ các dự án đã được HĐND Thành phố thông qua. 

Về việc bố trí nguồn vốn đầu tư công, đồng chí Nguyễn Thị Lệ ghi nhận và sẽ tiếp tục giám sát các cơ quan liên quan trong thực hiện việc bố trí vốn đầu tư công. Đồng chí giao Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND Thành phố tiếp tục tham mưu Thường trực HĐND Thành phố trong công tác giám sát cũng như công tác thẩm tra các dự thảo Nghị quyết về kế hoạch vốn đầu tư công, đảm bảo việc bố trí vốn đầu tư công phải đồng bộ với các Nghị quyết của HĐND Thành phố thông qua danh mục về thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất.