Đinh Hà ·
2 năm trước
 2991

TP.HCM: Dự kiến thí điểm xe đạp công cộng vào tháng 11

Để đẩy nhanh tiến độ "lăn bánh" của xe đạp công cộng tại TP.HCM, đơn vị nhà thầu đang gấp rút sơn, vẽ, gia cố nền, gắn bảng hiệu tại 43 trạm xe đạp, đồng thời tuyển nhân sự, cộng tác viên hướng dẫn khách cài app…

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trí Nam (nhà đầu tư dự án cho thuê xe đạp công cộng), cho biết 500 chiếc xe đạp vừa nhập về kho tại TP HCM. "Trong tháng 11 này, người dân TP HCM sẽ được trải nghiệm dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng thí điểm tại quận 1". Nhằm khuyến khích người dân sử dụng thường xuyên hơn, dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng sẽ có nhiều khuyến mãi như tặng nhiều giờ sử dụng cho khách đăng ký mở tài khoản. Để tạo cảm giác "mát mắt", toàn bộ 500 chiếc xe đạp vừa nhập về đều được sơn màu xanh da trời. 

xe đạp công cộng

Mô phỏng trạm triển khai xe đạp công cộng cho thuê tại Công viên 30/4, số 17 Lê Duẩn, Q.1. Ảnh: ITN

Hiện các thủ tục pháp lý được nhà đầu tư hoàn tất, phần mềm công nghệ, phương tiện cũng đã sẵn sàng. Dự án thí điểm trong 12 tháng với 43 vị trí trên vỉa hè một số tuyến đường quận 1, gần các trạm dừng, nhà chờ xe buýt, công viên để phục vụ đi lại với các chặng đường ngắn. Mỗi vị trí đỗ phương tiện có diện tích 20-30 m2 cho 8-10 xe đậu thành 2 dãy. Giá thuê xe là 5.000 đồng/30 phút và 10.000 đồng/60 phút. Thời gian đầu (từ 1-3 tháng) sẽ miễn phí trong 15 phút đầu.

Theo đại diện đơn vị nhà thầu: Trong thời gian thí điểm, với 43 vị trí đỗ xe, người dân sẽ bất tiện vì độ bao phủ hạn chế, nếu đi từ quận 1 sang quận 2 thì phải quay lại quận 1 để trả phương tiện. Tuy nhiên, trong giai đoạn bình thường mới này, việc sử dụng xe đạp đi lại giúp người dân hạn chế tiếp xúc, rèn luyện sức khỏe là cần thiết. Chúng tôi hy vọng sau thời gian thí điểm, người dân sẽ quen dần và thích thú với dịch vụ này, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng dịch vụ ở vài quận nội thành để tăng độ bao phủ, mỗi quận khoảng 1.000 xe đạp.

Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ Sở Giao thông Vận tải TP HCM, cho rằng xe đạp công cộng không chỉ hỗ trợ kết nối các phương thức vận tải hành khách công cộng khác như xe buýt, metro mà còn giảm ô nhiễm môi trường. Mạng lưới xe đạp sẽ hỗ trợ kết nối người dân từ nhà đến trạm xe buýt hoặc đi vào các hẻm nhỏ thay vì đi bộ hay đi xe ôm trung chuyển cho quãng đường xe buýt không tiếp cận được. Đồng thời tạo thêm sự lựa chọn về phương thức giao thông công cộng cho người dân, du khách khi đến tham quan tại TP HCM với chi phí hợp lý.

Nguồn