Để sẵn sàng cho việc thực hiện giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian 15 ngày, TP.HCM đã chuẩn bị cho mọi tình huống dịch bệnh như thế nào?
Để chuẩn bị cho việc thực hiện giãn cách toàn thành phố theo chỉ thị 16, TP.HCM đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án để đảm bảo không xáo trộn, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Cụ thể, cùng với việc dừng hoạt động của 3 chợ đầu mối (Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức) và một số chợ truyền thống, chuỗi cung ứng hàng hóa của thành phố được duy trì ổn định. Cụ thể, thành phố sẽ tăng lượng hàng hóa cung ứng cho hệ thống phân phối hiện đại, dự kiến tăng dự trữ lên 120.000 tấn/tháng.
Ngoài ra, các tiểu thương và thương nhân tại 3 chợ đầu mối sẽ tiếp nhận trung bình 4.000-5.000 tấn rau củ quả, thực phẩm tươi sống/ngày, giao dịch qua hình thức trực tuyến. Thành phố kích hoạt chương trình bình ổn thị trường, đảm bảo hàng hóa bán đúng giá cho người dân.
Năng lực cung ứng của 106 siêu thị, 124 chợ truyền thống được kích hoạt, áp dụng phương thức tem phiếu, ra vào chợ theo một chiều nhất định, giảm 50% số lượng tiểu thương, chợ hoạt động cách ngày…, trên 2.000 siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và 28 điểm bán ở các địa phương.
Đội tình nguyện sẽ được thiết lập để hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn, không có điện thoại thông minh để mua sắm trực tuyến. Với hệ thống dự trữ đầy đủ hàng hóa cung ứng cho người dân, thành phố yêu cầu người dân không tập trung đông người mua sắm hàng hóa.
Về kế hoạch điều trị, TP.HCM sẽ phân tuyến 3 cấp điều trị theo mô hình “tháp 3 tầng” của Bộ Y tế; lên phương án nâng lên 20.000 giường điều trị, chuẩn bị 30.000 chỗ cách ly F1; điều tra dịch tễ qua mã QR-code.
Với các hoạt động sản xuất, TP.HCM cũng đã thẩm định xong và tổ chức cho 43 doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao với 56.000 lao động theo phương thức vừa cách ly tại chỗ vừa sản xuất theo hướng dẫn.