Hữu Tân ·
2 năm trước
 3118

TP.HCM lên kế hoạch đến hết 2021 giảm 50% bì ni lông khó phân hủy

TP.HCM đề ra kế hoạch đến hết năm 2021, tiểu thương ở các chợ dân sinh giảm 50% sử dụng bì ni lông khó phân hủy sinh học, 100% hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng các loại bao bì thân thiện môi trường.

UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định kế hoạch tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn TP.HCM.
 
Theo đó, UBND TP.HCM yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị - xã hội phải gương mẫu, tích cực và đi đầu trong việc giảm thiểu, tái sử dụng chất thải nhựa. Cũng như không sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm nhựa dùng một lần (bao gồm chai lọ nhựa, ống hút nhựa, hộp xốp đựng thực phẩm, tô nhựa, chén nhựa, ly nhựa…) tại công sở, hội nghị, hội thảo và các ngày lễ, ngày kỷ niệm, sự kiện khác trên địa bàn thành phố. 
 
Hạn chế sử dụng băng rôn, khẩu hiệu… dùng một lần chuyển sang sử dụng các trang thiết bị điện tử phục phục vụ cho công tác tuyên truyền.
 
Nhiều hệ thống siêu thị thay vì sử dụng túi ni lông khó phân hủy đã chuyển sang sử dụng chất liệu thân thiện môi trường.
Nhiều hệ thống siêu thị thay vì sử dụng túi ni lông khó phân hủy đã chuyển sang sử dụng chất liệu thân thiện môi trường.
 
Đồng thời, phấn đấu đến hết năm 2021, 100% hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng các loại bao bì thân thiện môi trường phục vụ cho mục đích sinh hoạt để thay thế túi ni lông khó phân hủy sinh học. 
 
Các tiểu thương tại các chợ dân sinh giảm 50% sử dụng bao bì ni lông khó phân hủy sinh học trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho người tiêu dùng. 
 
TP.HCM phấn đấu đến năm 2030 hạn chế tối đa việc sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm nhựa dùng một lần.
 
Bên cạnh đó, thực hiện truyền thông, tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường và con người, lợi ích của các hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, cán bộ cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện, đài truyền thanh cấp xã, học sinh, sinh viên, người dân… trên địa bàn thành phố.
 
Mặt khác, lồng ghép một số nhiệm vụ, công việc theo chỉ đạo của UBND TP.HCM về tăng cường các hoạt động quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trên địa bàn TP.HCM từ trước đến nay vào trong kế hoạch này để thuận lợi cho việc rà soát, tổ chức thực hiện và theo dõi công việc.
 
Ngoài ra, các sở, ban, ngành, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện; tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức, cá nhân có liên quan cùng phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong việc thực hiện kế hoạch nhằm đạt hiệu quả. 
 
Các chương trình, hoạt động triển khai kế hoạch này cần đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí và có lộ trình thực hiện phù hợp.