Người dân sống tại đây, chị Thái Thị Mỹ Uyên (trú tại chung cư Lê Thành, quận Bình Tân, TPHCM) phản ánh, từ đầu mùa mưa không hiểu rác thải hỗn hợp từ đâu dạt về dọc tuyến kênh "nước đen" Tân Hóa - Lò Gốm đoạn qua địa bàn quận 6. Dù đoạn này chỉ chừng hơn 1 km thế nhưng theo chị Uyên mùi hôi từ dòng kênh bốc lên rất khó chịu, nhất là vào thời gian buổi trưa nắng nóng.
Ông Nguyễn Huy Chương, sinh sống ngay khu dân cư hướng ra kênh Tân Hóa bức xúc cho biết, chưa khi nào rác thải lại trôi về phía đoạn quận 6, quận 11 nhiều như mùa mưa năm nay. Không chỉ cá nhân ông Chương mà nhiều hộ dân sống dọc hai quận này cũng thường xuyên phản ánh đến các cấp lãnh đạo quận, qua các hội nghị tiếp xúc cử tri để kiến nghị chính quyền vào cuộc xử lý vấn đề ô nhiễm dòng kênh Tân Hóa - Lò Gốm sau cải tạo.
Theo tìm hiểu, tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm có chiều dài hơn 7 km đi qua địa bàn các quận 6, 11 và Tân Phú đã được cải tạo và đưa vào sử dụng từ năm 2015 với tổng kinh phí lên đến hơn 5.000 tỷ đồng. Dự án cũng đã thực hiện tổng cộng gần 12 km đường kết nối, cũng như các khu cảnh quan dọc kênh để tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp. Mặc dù đã được cải tạo khang trang kết nối thuận tiện giữa 3 quận nhưng đến nay khu vực này lại tái phát sinh ô nhiễm do rác thải.
Từ số liệu của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, trung bình một ngày đơn vị này vớt từ dòng kênh lên đến 5-6 tấn rác, chủ yếu là rác hỗn hợp, lục bình dọc kênh và các chất thải sinh hoạt.
Ông Bùi Thanh Tân - Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM cho biết, việc chậm tiến độ cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên cũng đang khiến người dân phải chịu đựng ô nhiễm. Hiện nay dự án mới có 9/10 gói thầu xây lắp đang được các nhà thầu triển khai thi công thử cọc bê tông cốt thép, đóng cừ. Đối với dự án này, lãnh đạo TPHCM đã yêu cầu chủ đầu tư phải tập trung chỉ đạo các nhà thầu tăng cường thiết bị thi công, nhân lực, cần thiết có thể thi công ban đêm để đưa dự án hoàn thành vào tháng 4/2025.
Theo ông Huỳnh Minh Hùng - Phó Chủ tịch UBND quận 6, ô nhiễm không chỉ do rác thải từ khu vực các quận khác dồn về mà còn do ý thức của người dân chưa tốt, thậm chí một số khu dân cư có tình trạng đổ trộm chất thải vào ban đêm xuống kênh Tân Hóa - Lò Gốm.
So với kênh Tân Hóa - Lò Gốm, việc xử lý rác ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thuận lợi hơn do có hệ thống xử lý nước thải kèm theo lực lượng thu gom, vớt rác thải hoạt động thường xuyên. Mặc dù vậy, phản ánh của người dân sống hai bên tuyến kênh (đường Hoàng Sa và Trường Sa), từ đầu mùa mưa đến nay nhân viên vệ sinh môi trường liên tục phải tổ chức lực lượng thu gom rác thải khó phân hủy lẫn xác cá chết để đi tiêu hủy.
Để xử lý triệt để tình trạng “tái xuất” ô nhiễm tại các kênh rạch sau cải tạo, ông Đỗ Tấn Long - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TPHCM) cho biết, hiện đơn vị đã giao Công ty Môi trường Đô thị TPHCM tổ chức thu gom định kỳ 2 lần/ngày ở kênh Tân Hóa - Lò Gốm và mỗi ngày 1 lần ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè để giảm bớt rác thải phát sinh trên các kênh này.
Được biết, UBND TPHCM đã có chủ trương và đang giao cho các sở, ngành, đơn vị kêu gọi đầu tư để xây dựng nhà máy xử lý nước thải lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm tại xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh). Ngoài ra, một hệ thống cống bao cũng đã được xây dựng. Nhà máy xử lý nước thải tại phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức cũng đang xây dựng để giải quyết vấn đề tái ô nhiễm tại các tuyến kênh sau cải tạo.
UBND thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức chủ động phối hợp với các Sở GTVT, Sở Xây dựng rà soát, dự báo lượng chất thải phát sinh tại các khu vực kênh rạch, công cộng để kịp thời điều chỉnh, xây dựng dự toán kinh phí thu gom, vận chuyển lượng chất thải phát sinh tại các khu vực này.