Thanh Tùng ·
3 năm trước
 4358

TP.HCM: Phê duyệt dự án quản lý chất thải bền vững trong môi trường đô thị

UBND TP.HCM phê duyệt dự án quản lý chất thải bền vững trong môi trường đô thị với mục tiêu góp phần đưa TP.HCM và người dân hướng tới cộng đồng bền vững. Dự án này của Trung tâm Nghiên cứu - Tư vấn công tác xã hội và Phát triển cộng đồng (SDRC) và được tài trợ bởi tổ chức Bread for the World - Protestant Development Service của Đức.

Điểm đầu tiên dự án triển khai thực hiện ở phường 15, quận Gò Vấp, TP.HCM với tiêu chí góp phần giảm ô nhiễm rác thải đô thị, từ đó sẽ dân mở rộng ra toàn địa bàn thành phố.

Cụ thể, lượng rác thải bỏ từ các sản phẩm nhựa (túi nylon, ống hút, hộp đựng thức uống và thực phẩm) được sử dụng bởi các cửa hàng, nhà hàng, quán ăn, bếp ăn từ thiện sẽ giảm khoảng 30%. Có ít nhất 220 hộ gia đình sẽ trồng rau bằng cách tự sử dụng rác hữu cơ để ủ thành phân vi sinh. Ít nhất 5 bãi rác bất hợp pháp rên địa bàn hiện có sẽ bị loại bỏ vĩnh viễn.

biến rác thải thành nguồn tài nguyên

Được biết, dự án quản lý chất thải bền vững trong môi trường đô thị TP.HCM có tổng giá trị 8,625 tỉ đồng. Trong đó vốn viện trợ không hoàn lại 7,5 tỉ đồng do tổ chức Bread for the World - Protestant Development Service tài trợ; Vốn đối ứng 1,125 tỉ đồng, từ nguồn vốn của chủ dự án. Thời gian thực hiện từ tháng 5/2021 đến ngày 31/12/2023.

Trong thời gian vừa qua, rất nhiều hoạt động được các tổ chức môi trường trong nước và quốc tế phát động hoặc tài trợ thực hiện với mục tiêu giảm thiểu rác thải, hướng rác thải trở thành nguồn nguyên liệu, nguồn năng lượng tái tạo phục vụ đời sống.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà từng khẳng định: “Rác thải là tài nguyên”. Đồng thời, đối với các chuyên gia về môi trường thì rác thải thực tế là nguồn tài nguyên đáng giá, nếu đem chôn lấp thì vô cùng đáng tiếc.

Theo phân tích của Sở TN&MT TP.HCM, thành phần chủ yếu trong chất thải rắn đô thị là chất hữu cơ (chất thải từ thực phẩm) chiếm 65% - 95%, plastic, giấy, kim loại chiếm 10% - 25%, còn lại là các chất vô cơ như bùn, đất... Mỗi thành phần chất thải này đều có công nghệ tái chế phù hợp. Chẳng hạn, chất thải hữu cơ có thể làm phân compost, trong khi các loại bùn thải có thể xử lý kim loại rồi phối trộn để làm phân hay các loại gạch không nung hoặc vật liệu san lấp nền…

Hiện trên thế giới, một số nước như Đức, chính quyền phải mua lại rác thải sinh hoạt của người dân với giá 40USD/tấn để tái chế thành năng lượng mà vẫn có lãi. Còn đất nước Thụy Điển thiếu rác tính đến năm 2014, khối lượng rác phải nhập khẩu đã lên đến con số 2,7 triệu tấn để chạy các dây chuyền xử lý rác. Rác thải ở quốc gia này được tái sử dụng gần như 100% thành năng lượng, khí đốt, vật liệu xây dựng...

Tương tự, Estonia là đất nước nổi tiếng với các nhà máy xử lý rác thành điện. Theo cơ quan môi trường Estonia, quốc gia này chỉ gom được khoảng 395.000 tấn rác/năm, trong khi các nhà máy nhiệt điện cần hơn 500.000 tấn rác để duy trì hoạt động. Chính vì vậy, Estonia buộc phải nhập khẩu hơn 56.000 tấn rác.

Nguồn