Bích Ngọc ·
2 năm trước
 5982

TP.HCM quyết tâm vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế

Theo đánh giá của Chủ tịch UBND TP. HCM, hiện các lĩnh vực kinh tế TP. HCM đang trên đà phục hồi khi thương mại, dịch vụ hoạt động sôi động, tiến độ thu ngân sách tốt. Thành phố sẽ đạt, có thể vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra từ đầu năm (6-6,5%).

Phấn đấu tăng trưởng kinh tế vượt mức đề ra

Là một trong những khu vực đi đầu về hầu hết các chỉ số phát triển, trong tháng 8, các lĩnh vực kinh tế tại TP. HCM tiếp tục có mức tăng trưởng khá. Hoạt động sản xuất công nghiệp đã phục hồi và thu hút lao động trở lại làm việc. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố đã khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường.

Hoạt động thương mại, dịch vụ tại TP. HCM trở nên sôi động khi hoạt động du lịch được mở trở lại và lượng khách du lịch đến Thành phố tăng đều qua các tháng. Bên cạnh đó, các nhà bán hàng cũng tung ra nhiều hoạt động khuyến mại tập trung được tổ chức nhằm kích cầu người mua và hoạt động xuất khẩu tăng mạnh. Nhìn chung, hoạt động thương mại dịch vụ tháng 8 trên toàn Thành phố duy trì ổn định, nối tiếp đà phục hồi từ đầu năm, không biến động nhiều so với tháng trước.

Riêng lĩnh vực công nghiệp, TP. HCM xác định năm 2022 sẽ tập trung phục hồi kinh tế, tạo đà tăng tốc phát triển trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Trong đó, đặt doanh nghiệp là trung tâm của sự tăng trưởng kinh tế.

Tính đến tháng 8, nhiều doanh nghiệp sản xuất đã đi vào hoạt động ổn định, nhất là các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, may mặc, hóa phẩm, thực phẩm công nghệ, …

TP. HCM hướng đến việc vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra

Theo đánh giá của ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP. HCM, các lĩnh vực kinh tế thành phố đang trên đà phục hồi khi thương mại, dịch vụ hoạt động sôi động, tiến độ thu ngân sách tốt.

“Thành phố chắc chắn sẽ đạt được, có thể vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra từ đầu năm (6-6,5%)”, Ông Phan Văn Mãi khẳng định.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP. HCM cũng đưa ra một số khó khăn đối với TP. HCM trong phát triển kinh tế. Cụ thể, các yếu tố rủi ro từ nay đến cuối năm của trong nước cũng như thế giới như dịch bệnh, lạm phát, chuỗi cung ứng gặp khó khăn sẽ tác động đến Thành phố. Điển hình là sản xuất công nghiệp chưa phục hồi nhanh, thậm chí có xu hướng đình trệ cũng bị ảnh hưởng bởi các tác động của thị trường thế giới.

Ngoài ra, giải ngân đầu tư công của Thành phố mặc dù có chuyển biến trong tháng 8 nhưng nhìn chung là thấp (chỉ đạt 22,3% tổng kế hoạch vốn giao). Việc hỗ trợ doanh nghiệp từ các gói phục hồi, gói kích cầu thực hiện chưa đạt yêu cầu. Các hoạt động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất có xu hướng giảm như giá trị xản xuất, xuất khẩu.

Còn theo, Giám đốc Sở KH&ĐT TP. HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, trong tháng 8, Thành phố còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành Thành phố trong việc giải quyết khó khăn, vướng mắc về đất đai, về tải sản công còn chậm. Khi được hỏi ý kiến chuyên môn về lĩnh vực quản lý tại cuộc họp hoặc bằng văn bản, các sở, ngành Thành phố trả lời không rõ ràng, không tập trung vào nội dung vướng mắc; khi UBND Thành phố có chỉ đạo thì các sở, ban, ngành mới thực hiện. Do đó, kết quả giải quyết các khó khăn, vướng mắc chưa đạt được như kỳ vọng.

Ngoài ra, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 năm 2022 tăng 1,95% so với cùng kỳ (tháng 8 năm 2021). Trong 10/11 nhóm hàng tăng giá, nhóm giao thông tăng cao nhất với mức tăng là 9,57% do tác động giá xăng, dầu tăng cao.

Kinh tế Việt Nam hướng đến trở thành “con hổ mới” Châu Á

Đánh giá chung về kinh tế Việt Nam trong năm 2022 và các năm tiếp theo, nhiều chuyên gia cho rằng, tuy đang phải chịu ảnh hưởng từ các yếu tố tác động bên ngoài như: Xung đột chính trị quân sự tại một số khu vực trên thế giới; giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao; lạm phát gia tăng ở nhiều nước trên thế giới;… nhưng nền kinh tế Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2022 vẫn giữ được sự ổn định, các cân đối vĩ mô được đảm bảo và kiểm soát kịp thời các vấn đề lạm phát. Đây cũng là động lực, cơ hội để kinh tế Việt Nam bứt phát trong những năm tiếp theo để trở thành “con hổ mới” của kinh tế tế Châu Á.

Theo thống kê của Tổng cục Thống kê có nêu rõ, về sản xuất nông nghiệp, tiến độ thu hoạch lúa hè thu tăng cao, chăn nuôi ổn định; khai thác gỗ đạt khá; nuôi trồng thủy sản có mức tăng trưởng cao.

Tính đến trung tuần tháng 8, cả nước thu hoạch được 1.112,7 nghìn ha lúa hè thu, tăng 8,6% so với cùng kỳ 2021. Ước tính tổng số bò của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 8/2022 tăng 3,4% so với cùng thời điểm 2021; tổng số lợn tăng 6,8%; tổng số gia cầm tăng 3,6%.

Sản lượng gỗ khai thác 8 tháng năm 2022 ước đạt 11,9 triệu m3, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 3.172,2 nghìn tấn, tăng 7%.

Đáng mừng là ngành công nghiệp phục hồi nhanh, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng cao trong 7 tháng liên tiếp, tháng 8/2022 ước tăng 15,6% so với cùng kỳ 2021; trong đó chỉ số sản xuất của ngành chế biến chế tạo tăng 16,2%. Tính chung 8 tháng năm 2022, chỉ số IIP tăng 9,4%, trong đó có nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng cao.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh, hướng đến trở thành “con hổ mới” Châu Á

Bên cạnh đó, hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 8 cũng phục hồi ở hầu hết các ngành, đạt mức tăng cao so với cùng kỳ 2021 và năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 50,2% so với cùng kỳ 2021 trong đó bán lẻ hàng hóa gấp 1,3 lần (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019); dịch vụ lưu trú, ăn uống gấp 2,9 lần (tăng 6,7%). Tính chung 8 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 19,3% so với cùng kỳ 2021.

Đối với vận chuyển hành khách, trong tháng 8/2022 tăng gấp 4,4 lần và luân chuyển hành khách tăng gấp 7,5 lần so với cùng kỳ 2021; vận chuyển hàng hóa duy trì đà phát triển với sản lượng vận chuyển tăng 58,6% và luân chuyển tăng 68,8%.

Tính chung 8 tháng năm 2022, vận chuyển hành khách tăng 29,8% và luân chuyển hành khách tăng 51,6% so với cùng kỳ 2021; vận chuyển hàng hóa tăng 20,6% và luân chuyển hàng hóa tăng 28%.

Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng được tiếp tục duy trì mức tăng cao với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 8 ước đạt 64,34 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng trước và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2021.

Tính chung 8 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 497,64 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ 2021, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 13,6%. Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 3,96 tỷ USD.

Lạm phát cơ bản được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng năm 2022 tăng 2,58% so với cùng kỳ 2021, cao hơn mức tăng 1,79% của bình quân 8 tháng năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của bình quân 8 tháng năm 2020 (3,96%). Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng năm 2022 tăng 1,64%.