Vi Trinh ·
2 năm trước
 2275

TP.HCM: Xuất khẩu tăng 5,1% bất chấp khó khăn bởi dịch Covid-19

Các ngành hàng đứng đầu kim ngạch của TP.HCM là máy vi tính, dệt may. Thị trường Trung Quốc vẫn là nơi các doanh nghiệp TP.HCM xuất khẩu nhiều nhất.

Cục Thống kê TP.HCM vừa có báo cáo kết quả xuất - nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2021 trên địa bàn. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu tại TP.HCM tăng 5,1% và nhập khẩu tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung nửa đầu năm 2021, TP.HCM có 5 nhóm hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 75% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đứng đầu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 7,7 tỉ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước; Kế đến là nhóm hàng hóa khác đạt 3,6 tỉ USD, tăng 154,2%; Thứ 3 là hàng dệt may đạt 1,6 tỉ USD, chiếm 8,1%, giảm 23,5%...

Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu hàng hóa chủ lực của các doanh nghiệp thành phố với kim ngạch đạt gần 4,6 tỉ USD, chiếm 22,6% tỷ trọng xuất khẩu, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm 2020. Hoa Kỳ xếp thứ 2 với 3,25 tỉ USD, chiếm 16%, tăng 0,3%; Nhật Bản đạt 1,1 tỉ USD, chiếm 5,4%, giảm 25,4%.

tphcm xuất khẩu tăng bất chấp khó khăn do dịch covid19

Về nhóm doanh nghiệp, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vẫn được xem là động lực chính trong tăng trưởng xuất, nhập khẩu của TP.HCM nửa đầu năm 2021 với kim ngạch xuất khẩu tăng 6,2% và nhập khẩu tăng 12,2% so cùng kỳ.

TP.HCM hiện đang bị ảnh hưởng bởi đợt dịch Covid-19 xuất hiện trên địa bàn. Để vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế, cơ quan chức năng TP.HCM đã đề ra chương trình "Mục tiêu kép".

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã khẳng định tại Hội nghị trực tuyến gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 diễn ra ngày 10/6: “Sự phát triển, phồn vinh của thành phố không thể tách rời với sự phát triển của doanh nghiệp. Khi chúng ta đã đồng hành cùng nhau thì phải có trách nhiệm chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau...”.

Bên cạnh đó, ông Phong cảm ơn và trân trọng ghi nhận các ý kiến, đề xuất, hiến kế của doanh nghiệp tại hội nghị, từ đó cơ quan chức năng có thêm cơ sở hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư, cùng doanh nghiệp thực hiện hiệu quả “Mục tiêu kép”.

Để cùng doanh nghiệp thực hiện “mục tiêu kép”, chính quyền TP.HCM đã đề ra nhiều kế hoạch và đề án để phát triển thành phố, bằng 3 nhóm giải pháp trọng tâm.

Trước hết,tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương.

Thứ hai, triển khai chính sách hỗ trợ của TP.HCM về tài chính và phi tài chính. Trong đó, đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh...

Thứ ba,kiến nghị Chính phủ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, điều chỉnh mức hỗ trợ lên 100% kinh phí khi doanh nghiệp tham gia thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại trong nước; Điều chỉnh mức hỗ trợ tối đa 100% đối với các chương trình về xúc tiến thương mại điện tử từ ngân sách nhà nước khi doanh nghiệp tham gia.

TP.HCM cũng đề xuất Chính phủ xem xét giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021; Kéo dài chính sách giảm tiền thuê đất đối với doanh nghiệp du lịch trong năm 2021; Xem xét tiếp tục gia hạn giảm phí thẩm định hồ sơ cấp phép kinh doanh lữ hành và cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch đến hết năm 2021...

Nguồn