Hiện Thành phố phải xử lý khoảng 9.500 tấn rác thải sinh hoạt/ngày, cao điểm có thể đến 11.000 - 12.000 tấn/ngày; dự báo đến năm 2025 là 13.000 tấn/ngày...
Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai các giải pháp để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố khóa XI, phấn đấu đến năm 2025, ít nhất 80% rác thải sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế. Tuy nhiên, mục tiêu này của Thành phố đang gặp không ít thách thức khi lượng rác thải phát sinh ngày càng nhiều, trong khi đó lại thiếu nhân lực thu gom, xử lý… Thực tế này đòi hỏi các cấp lãnh đạo cần có những biện pháp tháo gỡ.
Các thùng thu gom chất thải đã phân loại được dán nhãn rõ ràng để người dân dễ nhận biết. Ảnh tư liệu: Xuân Dự/TTXVN
Theo Giáo sư Đặng Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, trung bình mỗi năm, dân số Thành phố Hồ Chí Minh tăng cơ học khoảng 200.000 người, kéo theo lượng rác thải đô thị tăng từ 10 - 15%/năm. Hiện Thành phố phải xử lý khoảng 9.500 tấn rác thải sinh hoạt/ngày, cao điểm có thể đến 11.000 - 12.000 tấn/ngày; dự báo đến năm 2025 là 13.000 tấn/ngày.
Ngoài ra, mỗi ngày tại Thành phố Hồ Chí Minh còn phát sinh hơn 4.000 tấn rác thải rắn công nghiệp và 400 tấn rác thải nguy hại, trong đó có 45 tấn rác thải y tế. Khối lượng rác thải sinh hoạt đa phần được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh (chiếm 60%), phần còn lại được xử lý bằng phương pháp đốt (không thu hồi năng lượng), sản xuất phân bón và tái chế.
Bà Đặng Kim Chi cho biết, các bãi chôn lấp tại Thành phố đều sử dụng công nghệ hợp vệ sinh, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật. Tuy nhiên, công nghệ chôn lấp chỉ phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương ở giai đoạn trước đây. Thực tế cho thấy, rác thải sinh hoạt ở Thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu có nguồn gốc hữu cơ, rác có độ ẩm cao... Vì vậy, nếu xử lý bằng công nghệ chôn lấp sẽ gặp hạn chế lớn gây ra mùi hôi trong một số thời điểm.
Bên cạnh đó, ý thức của người dân về bảo vệ môi trường nói chung chưa được nâng cao. Tỷ lệ hộ gia đình, chủ nguồn rác thải ở một cụm dân cư, một tuyến đường trên địa bàn quận, huyện thực hiện phân loại rác tại nguồn thành ba loại (chất thải rắn có khả năng tái chế, chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác) còn thấp (chiếm khoảng 10 - 20%) và chưa được duy trì ổn định. Rác sinh hoạt không được phân loại tại nguồn khi được chôn lấp về lâu dài sẽ có nguy cơ làm ô nhiễm nguồn nước ngầm, phát sinh côn trùng, ruồi muỗi, dịch bệnh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Thực tế cho thấy, để giải quyết các bất cập còn tồn tại trong hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn, Thành phố cần nâng chất hoạt động của lực lượng thu gom rác dân lập, hoàn thiện năng lực của các đơn vị thu gom rác chính quy; chuyển đổi công nghệ từ chôn lấp sang đốt phát điện nhằm tránh lãng phí. Công nghệ đốt rác không chỉ hạn chế phát sinh mùi hôi, bảo đảm môi trường sống cho người dân mà còn tiết kiệm diện tích chôn lấp, không cần phân loại rác tại nguồn như hiện nay.
Về công tác thu gom rác, từ năm 2019, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã giao các quận, huyện, thành phố Thủ Đức tổ chức, sắp xếp lại lực lượng thu gom rác dân lập; chuyển đổi mô hình thu gom rác dân lập thành hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp lý, kết hợp thay mới trang thiết bị thu gom rác. Thống kê từ các quận, huyện cho thấy, thành phố Thủ Đức và 19/21 quận, huyện đã hoàn thành việc chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập thành các hợp tác xã hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân; hai quận chưa hoàn thành việc chuyển đổi là quận Tân Phú (đạt 95%) và Quận 5 (39,7%).
Tuy nhiên, việc thay mới trang thiết bị cho lực lượng thu gom rác dân lập đang có nhiều bất cập; chủ yếu do việc bổ sung vốn cho Quỹ Bảo vệ môi trường còn chậm, chưa đủ kinh phí để ngành Môi trường thành phố thay mới toàn bộ thiết bị thu gom. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện Quỹ Bảo vệ môi trường đã thẩm định hồ sơ và giải ngân hỗ trợ các đơn vị chuyển đổi phương tiện với tổng số tiền 70 tỷ đồng. Số đề xuất hỗ trợ chuyển đổi còn lại đang đợi được bổ sung ngân sách. Thực tế với số lượng phương tiện cũ cần phải chuyển đổi lên đến hơn 2.000 phương tiện, công tác này sẽ cần lộ trình dài hơi và nguồn ngân sách hỗ trợ lớn từ Nhà nước.
Về hoạt động xử lý rác thải, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng cho biết, trên địa bàn hiện nay có 4 dự án chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sang đốt phát điện đang được triển khai. Trong đó, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành quyết định chủ trương đầu tư đối với hai dự án chuyển đổi công nghệ của Công ty Cổ phần Vietstar (2.000 tấn/ngày) và Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa (2.000 tấn/ngày). Hai đơn vị còn lại đang thực hiện các thủ tục pháp lý đầu tư dự án chuyển đổi công nghệ gồm: Công ty Cổ phần Môi trường Tasco Củ Chi (500 tấn/ngày) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xử lý chất thải Việt Nam (3.000 tấn/ngày). Tổng công suất xử lý sau khi chuyển đổi công nghệ của cả 4 dự án là khoảng 7.500 tấn/ngày.
Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố còn phối hợp với Tổ công tác liên ngành (thành viên gồm đại diện các Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Xây dựng) thẩm định dự án xử lý chất thải trên địa bàn; làm việc với nhiều nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt như: Công ty Cổ phần Kho vận Giao nhận Ngoại thương Mộc An Châu, Công ty Trách nhiệm hữu hạn EVGreen…
Ủy ban nhân dân Thành phố đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng các sở, ngành liên quan xây dựng quy trình chung về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP) để làm cơ sở triển khai thực hiện. Trước mắt sẽ triển khai thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án xử lý rác với tổng công suất 2.000 tấn/ngày.
Ông Nguyễn Toàn Thắng nhận định, nếu các nhà đầu tư chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đúng tiến độ và việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án mới có kết quả, nhà đầu tư hoàn thành xây dựng và đi vào vận hành theo kế hoạch, Thành phố Hồ Chí Minh đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu 80% chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế vào năm 2025, hướng tới 100% vào năm 2030.