Đinh Hà ·
3 năm trước
 9468

"Chuyến xe tình nghĩa" giá 2 triệu đồng, những "ân tình" đang được bán rẻ?

Với mức giá 2 triệu đồng mỗi người, những "chuyến xe tình nghĩa", chuyến xe 0 đồng" đã chở khách từ các tỉnh đang thực hiện Chỉ thị 16 về Thừa Thiên Huế gây tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng. Ân tình có đang được bán rẻ?

Ngày 5/8, lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết đã phát hiện nhiều chuyến xe chở khách từ các tỉnh đang thực hiện Chỉ thị 16 về Thừa Thiên Huế, vi phạm công điện của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, các lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát hiện nhiều xe dịch vụ đưa người từ các tỉnh, thành phố vùng dịch về địa phương dưới danh nghĩa "chuyến xe 0 đồng", "xe miễn phí". Các phương tiện này dừng trả khách trước các chốt kiểm soát và quay đầu, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch tại địa phương và tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng.

chuyến xe tình nghĩa

Trước đó, tối 4/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành cách ly 16 người tham gia điều khiển xe dịch vụ trá hình chở hơn 150 người dân từ vùng đang thực hiện Chỉ thị 16 về tỉnh Thừa Thiên Huế. Trên mỗi chiếc xe đều có treo băng rôn "Chuyến xe 0 đồng", "Chuyến xe nghĩa tình".

Tuy nhiên trên thực tế, các nhà xe đã thu của khách đi xe mỗi người 2 triệu đồng. Nhờ treo những “băng rôn ân tình” như thế nên các xe này đã được lực lượng kiểm tra trên tuyến từ thành phố Hồ Chí Minh đến Thừa Thiên Huế tạo điều kiện lưu thông. Cho đến khi các chuyến xe đó đến địa phận phía Nam tỉnh Thừa Thiên Huế và được lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra đã phát hiện hành vi sai phạm của những người này.

Sau khi đã tiến hành các thủ tục cần thiết, lực lượng chức năng đã đưa 12 chiếc xe và 16 tài xế đi trên những chuyến xe này lên huyện Nam Đông cách ly tập trung. Các lái xe phải chi trả phí cách ly. Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Thừa Thiên Huế, những lái xe này đã vi phạm quy định phòng, chống dịch. Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm và sẽ xử lý nghiêm theo quy định. 

Theo Báo Tài nguyên và Môi trường, chị Huỳnh Thị Điệp (quê ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) đi trên chiếc xe 51B-13357 chia sẻ, chị được người quen giới thiệu, hoặc ai có nhu cầu thì lên các nhóm hội lấy số nhà xe liên lạc, nhà xe báo giá, thấy hợp lí thì sẽ đặt xe đi.

chuyến xe 0 đồng

Dịch quá nên phải mượn tiền ra, tình hình như này nhà xe báo giá bao nhiêu thì trả bấy nhiêu chứ không trả giá được. Bình thường từ TPHCM ra Huế chỉ hơn 500 ngàn, nhưng lần này nhà xe thu giá 2 triệu/người. Nhà xe bắt trả tiền trước một ít để người ta đổ xăng, đi được một đoạn thì người ta bắt chuyển thêm, ra gần tới Huế nhà xe bắt chuyển hết mới chở ra Huế, xe tôi đi có 18 người với số tiền 32 triệu”, chị Điệp thổ lộ.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Tình trạng mấy chiếc xe dịch vụ bây giờ quá phức tạp, bây giờ họ trá hình về và bất chấp chỉ thị của Chính phủ. Các xe này cứ thả người dân đóng tiền để chở về, cứ làm từng đoàn mỗi lần chở về 5-7 người, thậm chí 20- 30 người"

Đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức 3 đợt đón công dân từ TP. HCM trở về bằng tàu hỏa và máy bay, với 849 người. Những công dân về Huế gồm người lớn tuổi, người có bệnh mong muốn về điều trị, phụ nữ có thai và con nhỏ, người dễ bị tổn thương do dịch bệnh. Trong đó, hai đợt đầu thì chính quyền tỉnh lo tất cả, đợt đón thứ 3 là có thu phí cách ly tập trung. Số ca nhiễm ở Huế phần lớn cũng xuất phát từ việc người dân tự phát đi xe máy về địa phương, tất cả đều được sàng lọc và cách ly ngay từ đầu.

Chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang quyết liệt triển khai mọi biện pháp để phòng, chống dịch, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội.

Được biết, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có thông báo dừng tiếp nhận công dân tại các tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 di chuyển khỏi nơi cư trú sau ngày 31/7 (trừ những người được chính quyền cho phép). Kể từ 31/7 trở về trước, công dân đã rời khỏi các tỉnh, thành nói trên, tỉnh sẽ tổ chức đón và tiến hành các biện pháp phòng, chống dịch. 

Những "chuyến xe 0 đồng", "chuyến xe nghĩa tình" thực chất là "treo đầu dê, bán thịt chó", "chuyến xe miễn phí" nhưng thật ra phải trả phí - một mức phí cao hơn rất nhiều so với bình thường, phải chăng họ đang bán đi cái ân tình, cái nghĩa tình mà chính trong lúc này toàn thể nhân dân, toàn thể xã hội đang cần nhất? Và phải chăng họ đang làm tiền trên chính đoạn tình giữa người với người, đoạn tình cảm thiêng liêng mang 2 tiếng "đồng bào"?