Ngọc Sang ·
1 năm trước
 3655

Triển khai mô hình phân loại rác tại nguồn, xây dựng môi trường xanh tại Bình Định

Triển khai mô hình phân loại rác tại nguồn nhằm giúp cộng đồng dân cư nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, đưa xã Bình Tường về đích xây dựng nông thôn mới nâng cao trong năm nay.

Việt Nam là một trong số những nước phát sinh lượng lớn chất thải nhựa ra đại dương. Các nguồn thải rác nhựa đến từ đất liền được xem là nguồn thải chính và ở quy mô rộng hơn các nguồn thải ngoài đại dương. Cụ thể, có đến 80% chất thải nhựa xuất phát từ đất liền, nghĩa là từ những hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người, 20% còn lại xuất phát từ hoạt động nghề cá, nuôi trồng thủy sản, tàu bè trên biển…

Cùng với đó, sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch cùng với gia tăng dân số làm lượng chất chất thải hằng ngày không được xử lý xả ra môi trường ngày một nhiều thêm, gây tác hại nghiêm trọng tới môi trường các khu vực ven biển và hải đảo, đặc biệt là làm suy giảm các hệ sinh thái biển và san hô trong các khu bảo tồn. Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề về suy giảm tài nguyên và gia tăng chất thải, đặc biệt là chất nhựa đại dương.

Mỗi hộ gia đình nhận thùng đựng rác để thu gom và phân loại rác hữu cơ. (Ảnh: Báo TN&MT) 

Riêng tại tỉnh Bình Định, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) khoảng 900 tấn/ngày. Tỷ lệ thu gom khoảng từ 47-90% ở khu vực thành thị (TP.Quy Nhơn: 94%); 30% tại khu vực nông thôn. Theo số liệu từ khảo sát sơ bộ của UNDP năm 2022 tại TP.Quy Nhơn, 17% CTRSH được tái chế; chất thải nhựa chiếm 20% CTRSH.

Mới đây, tại UBND xã Bình Tường, Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Bình Định phối hợp với UBND huyện Tây Sơn tổ chức tập huấn triển khai mô hình phân loại, xử lý chất thải tại nguồn cho cán bộ UBND xã và hơn 100 hộ dân, nhằm thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2022 của xã Bình Tường.

Thông qua chương trình này, Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Bình Định tặng 100 thùng đựng rác cho các hộ tham gia chương trình phân loại rác thải tại nguồn ở địa phương.

Tập huấn triển khai mô hình phân loại rác thải tại nguồn cho hơn 100 hộ dân xã Bình Tường, huyện Tây Sơn. (Ảnh: Báo Bình Định)

Theo đó, các hộ dân tham gia tập huấn được phổ biến kiến thức về những lợi ích khi phân loại rác thải tại nguồn; nhận biết các loại chất thải sinh hoạt cần phải phân loại, như chất thải hữu cơ, chất thải có thể sử dụng, tái chế, chất thải sinh hoạt khác không thể tái chế, sử dụng được thu gom xử lý theo quy định; hướng dẫn cách phân loại rác thải tại nguồn, xử lý chất thải hữu cơ, phế phụ phẩm nông nghiệp.

Lớp tập huấn được tổ chức nhằm giúp cộng đồng dân cư, chính quyền, hội, đoàn thể ở địa phương nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn, góp phần bảo vệ môi trường, đưa xã Bình Tường về đích xây dựng nông thôn mới nâng cao trong năm nay.

Theo bà Hà Thị Thanh Hương, Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Bình Định, nhằm triển khai mô hình phân loại, xử lý chất thải tại nguồn, xã Bình Tường phải thành lập các tổ hướng dẫn giám sát, các tuyên truyền viên về môi trường. Đây chính là lực lượng nòng cốt để triển khai mô hình hiệu quả. Việc hướng dẫn phân loại rác thải tại nhà và hướng dẫn thu gom rác thải tại nguồn sẽ do lực lượng nòng cốt thực hiện.

Việc thực hiện mô hình sẽ làm giảm lượng chất thải khi chôn lấp, tận dụng lại được những tài nguyên có giá trị để tái sử dụng, tái chế và làm giảm ô nhiễm môi trường, giảm mùi hôi tại hộ gia đình sau khi phân loại rác thải hữu cơ, góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường của xã Bình Tường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Trước đó, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức hội thảo các giải pháp tổng hợp nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn và nhựa tại Bình Định hướng đến giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho rằng: “Giải quyết vấn đề chất thải nhựa đại dương rất quan trọng đối với sức khỏe của đại dương, con người và hành tinh của chúng ta. Thông qua dự án cũng thí điểm và thiết lập một cơ sở thu hồi vật liệu nhằm cải thiện chuỗi giá trị vật liệu tại địa phương, hỗ trợ công tác nhân rộng, mở rộng, đảm bảo tính bền vững của các mô hình quản lý chất thải rắn tổng hợp.

Với kỳ vọng có thể xử lý 2-4 tấn nhựa mỗi ngày để tái sử dụng; điều này sẽ giúp TP.Quy Nhơn ngăn chặn việc nhựa bị chôn lấp hoặc rò rỉ ra biển. Chúng tôi cũng sẽ làm việc với TP.Quy Nhơn để đẩy nhanh việc phân loại chất sinh hoạt, thu gom, đồng thời đưa ra các giải pháp thay thế, sáng tạo nhằm giảm thiểu chất thải nhựa”.