Cuối giờ chiều hôm qua (ngày 9/5), giá vàng SJC chính thức tiếp tục xác lập mốc mới khi tăng lên mức 89,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
So với đầu tuần, giá vàng SJC đã tăng 3-3,8 triệu đồng/lượng. So với mốc đỉnh 80 triệu đồng/lượng từng xác lập vào hồi đầu tháng 3, giá vàng SJC hiện đã tăng thêm hơn 9 triệu đồng.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Đáng chú ý, bắt đầu từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước gọi thầu lần đầu tiên (ngày 23/4), so với thị trường quốc tế thì giá vàng miếng SJC liên tục tăng nhanh hơn. Chênh lệch giữa vàng thế giới và trong nước kéo giãn, từ con số 11 triệu đồng hiện lên tới khoảng 18 triệu đồng.
Với tốc độ tăng liên tục như hiện nay, nhiều người phải đặt câu hỏi rằng liệu giá vàng SJC có chạm mốc 100 triệu đồng mỗi lượng trong năm 2024?
Về vấn đề này, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế, khả năng trong năm nay giá vàng miếng SJC lên đến 100 triệu đồng là thấp, xác suất chỉ khoảng 30%. ông Hiếu cho rằng sẽ có sự can thiệp của cơ quan quản lý Nhà nước trước tình trạng giá vàng tăng quá nóng như thời gian vừa qua.
Bên cạnh đó, ông Hiếu cho rằng, nếu giá vàng tăng quá cao và đến ở điểm mà người ta không thể mua được nữa, thị trường vàng sẽ sụt giảm nhanh chóng. Khi đó, bong bóng giá vàng sẽ vỡ.
Theo ông Ngô Thành Huấn - CEO Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Quản lý gia sản FIDT, người ôm vàng vẫn đang chờ đợi giá vàng còn tiếp tục tăng mạnh. Nhưng về kịch bản giá vàng lên 100 triệu đồng/lượng trong năm 2024 thì ông Huấn dự báo sẽ không xảy ra.
Còn về thời điểm thích hợp để mua hay bán vàng, ông Huấn khuyến nghị công thức 10-15%. Người ôm vàng có thể bán ra khi giá vàng tăng với biên độ 10-15%. Người đầu tư có thể mua vào nếu giá vàng giảm. Mỗi nhà đầu tư có một khẩu vị riêng sẽ có quyết định riêng về thời điểm mua, bán hay tỷ trọng bán ra trong danh mục tài sản.
Không ít chuyên gia kinh tế đều cho rằng việc chênh lệch quá cao giữa giá vàng miếng SJC với thế giới là do tình trạng độc quyền sản xuất từ khi Nghị định số 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời năm 2012 đến nay.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, nên thay đổi cách thức quản lý thị trường vàng hiện nay. Theo đó, cho nhiều đơn vị tham gia sản xuất, kinh doanh vàng miếng với thương hiệu riêng để chấm dứt tình trạng độc quyền chỉ mình vàng miếng SJC. Tuy vậy, việc cho phép nhập khẩu vàng vào Việt Nam hằng năm vẫn phải theo quy định với hạn mức nhất định, có sự kiểm soát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước do liên quan đến vấn đề tỷ giá, ổn định tiền đồng.
Nhà nước thậm chí có thể xem xét áp dụng thêm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với vàng nguyên liệu để gia tăng nguồn thu. Khi việc nhập khẩu được công khai cùng với các loại thuế, phí thì việc tính ra giá vàng miếng trên thị trường cũng đơn giản. Từ đó giúp chênh lệch giữa vàng miếng trong nước với thế giới thu hẹp lại nhiều so với hiện nay.
Mở cửa sáng ngày 10/5, giá vàng trong nước tăng dựng đứng. Tại thời điểm 9h, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết từ 88,20-90,50 triệu đồng/lượng, tăng 1 triệu đồng/lượng so với chốt phiên trước. Tương tự, giá vàng SJC tại Công ty Vietnam Gold cũng cộng thêm 1 triệu đồng/lượng, giá mua và bán từ 87,70-90,30 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra). Không chỉ vàng miếng SJC, giá vàng nhẫn sáng nay cũng được tăng mạnh. Tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, mở cửa giao dịch sáng nay, doanh nghiệp niêm yết giá vàng nhẫn tròn trơn ở mức 75,02-76,52 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 1 triệu đồng/lượng so với chốt phiên trước. |
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7777094625683559