Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố BCTC hợp nhất toàn tập đoàn quý 2/2024. Theo đó, doanh thu đạt 154.046 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. EVN lãi gộp (doanh thu trừ giá vốn) hơn 8.527 tỷ đồng , trong khi cùng kỳ lỗ gộp gần 5.900 tỷ.
Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm gần một nửa còn 1.638 tỷ đồng, trong khi đó, chi phí tài chính lại tăng hơn 35% lên 6.594 tỷ đồng. Chi phí bán hàng cũng tăng 19% còn chi phí quản ký không có nhiều thay đổi.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Kết quả, EVN lỗ sau thuế 1.890 tỷ đồng trong quý 2/2024, trong khi cùng kỳ lỗ gần 12.511 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, EVN ghi nhận doanh thu thuần đạt 282.908 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế 8.098 tỷ đồng, cải thiện so với cùng kỳ lỗ 29.107 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/6/2024, lỗ lũy kế của EVN ở mức 52.016 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/6/2024, tổng tài sản của EVN đạt 653.187 tỷ đồng, tăng hơn 4.200 tỷ so với số đầu năm. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản của EVN (63%) là tải sản cố định, ở mức 391.447 tỷ đồng, giảm gần 17.300 tỷ đồng.
Lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của EVN đạt gần 74.500 tỷ đồng, giảm khoảng 6.800 tỷ đồng so với số đầu năm. EVN thu về gần 993 tỷ đồng lãi tiền gửi, tiền cho vay trong 6 tháng đầu năm.
Nợ phải trả của EVN ở mức 465.440 tỷ đồng, trong đó nợ vay là 314.167 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu của EVN đạt mức 187.747 tỷ đồng.
Nước về thủy điện tăng cao, vẫn lo thiếu điện đến hết tháng 10
Mới đây, Bộ Công Thương đã có báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 7/2024.
Lũy kế 7 tháng năm nay (tính đến hết ngày 25/7/2024), tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia ước đạt 174,113 tỉ kWh, cao hơn 11,70% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 56,06% so với kế hoạch (310,6 tỉ kWh) trong năm 2024.
Trong tháng 7, lưu lượng nước về các hồ thủy điện khu vực miền Bắc tiếp tục tăng so với trung bình nhiều năm nên một số hồ thủy điện đã thực hiện xả nước theo Quy trình vận hành liên hồ chứa và theo chỉ đạo của Ủy ban phòng chống lụt bão Trung ương.
Các nguồn thủy điện được huy động cao do tình hình thủy văn đã được cải thiện so với đầu năm nay.
Các nguồn nhiệt điện (than, khí) được điều chỉnh huy động theo tình hình vận hành nguồn thủy điện.
Các nguồn năng lượng tái tạo được huy động theo khả năng hấp thụ của lưới điện và nhu cầu hệ thống.
Bộ Công Thương khẳng định tình hình cung ứng điện toàn hệ thống trong 7 tháng năm 2024 đã được thực hiện tốt, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân cả nước.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), việc cung ứng điện cơ bản được đảm bảo trong thời gian còn lại của năm nay, đảm bảo cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.
Tuy vậy, EVN lo ngại tăng trưởng điện năng được dự báo tiếp tục tăng cao đến hết năm 2024, dự phòng công suất hệ thống điện quốc gia dự báo còn thấp đến hết tháng 10, trường hợp phụ tải tăng cao kết hợp các yếu tố bất lợi của hệ thống điện vẫn tiềm ẩn nguy cơ phải điều chỉnh phụ tải trong các giờ cao điểm.
Trước tình hình trên, Bộ Công Thương cho biết tiếp tục thường xuyên theo dõi, giám sát việc cung cấp nhiên liệu (than, khí, dầu), tình hình vận hành các nguồn điện và đôn đốc, chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng công ty, các đơn vị có liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp để đảm bảo cung ứng điện các tháng còn lại của năm 2024.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/8326828354043514