Bích Ngọc ·
8 tuần trước
 9839

Để hoà vốn EVN cần tăng giá điện thêm ít nhất 5%?

Theo VDSC, để có thể hòa vốn EVN sẽ cần tiếp tục điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện trong năm 2024 - 2025 ít nhất 5% (tương ứng 100 đồng/kWh).

Theo báo cáo ngành điện của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong 5 tháng đầu năm nay, sản lượng thủy điện toàn hệ thống giảm 24% còn 19,1 tỷ kWh, tỷ lệ huy động từ nguồn thủy điện cũng giảm so với giai đoạn 2020 – 2022 do yếu tố thời tiết El Nino không thuận lợi.

VDSC cho rằng các công ty thủy điện sẽ hưởng lợi trong năm 2025 so với cùng kỳ nhờ sản lượng tăng trưởng tích cực so với 2024 do chu kỳ chuyển pha La Nina đang diễn ra. Đồng thời, giá bán điện bình quân trong năm 2025 của các công ty thủy điện sẽ khó có khả năng giảm so với 2024 và có khả năng tăng khi tình hình tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được cải thiện.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Báo cáo của VDSC cho thấy sản lượng thương phẩm của các công ty thủy điện trong chu kỳ La Nina cao hơn chu kỳ El Nino khoảng 10 - 20%.

Ngoài ra, chi phí sản xuất và giá bán điện của các công ty thủy điện là thấp nhất trong các nguồn điện. Theo đó, chi phí sản xuất điện/kWh các công ty thủy điện đa phần nằm ở mức 400 – 600 đồng/kWh, so với mức 1.100 – 1.300 đồng/kWh của các công ty nhiệt điện than thì thấp hơn nhiều.

Các chuyên gia của VDSC cho biết, do áp lực khi chi phí sản xuất điện luôn cao hơn giá bán lẻ điện trong giai đoạn 2021 – 2023, EVN trong năm 2024 đã kiểm soát chặt chẽ hơn chi phí sản xuất điện bình quân, thông qua việc điều tiết tỷ lệ alpha (sản lượng hợp đồng/sản lượng thực phát) giữa các loại hình phát điện.

Theo đó, tỷ lệ alpha của các nhà máy thủy điện được điều chỉnh lên mức 98%, là tỷ lệ cao nhất kể từ khi thị trường phát điện cạnh tranh bắt đầu vận hành. VDSC cho rằng, ở mức alpha cao như vậy, các nhà máy thủy điện khó có khả năng tăng hiệu quả vận hành ở những thời điểm giá điện thị trường cao (điển hình có thể thấy ở giai đoạn nắng nóng trong 5 tháng đầu năm).

Điều này tạo sức ép đối với kết quả kinh doanh của các nhà máy thủy điện, vốn phụ thuộc vào thị trường phát điện cạnh tranh để cải thiện hiệu quả hoạt động, do giá FMP nhìn chung cao hơn giá hợp đồng (Pc) đối với nhóm thủy điện.

Theo thống kê kết quả kinh doanh quý I/2024 của các công ty thủy điện cho thấy nhìn chung doanh thu giảm từ 30 - 60%, bên cạnh nguyên nhân sản lượng sụt giảm còn có nguyên nhân do giá bán điện bình quân giảm. Biên lợi nhuận gộp quý I/2024 của các nhà máy thủy điện trong khi đó đã giảm từ 20 – 35 điểm phần trăm so với cùng kỳ.

VDSC cho hay, mặc dù pha La Nina đang có xác suất cao sẽ diễn ra từ tháng 8/2024, nhưng hiệu quả kinh doanh của nhóm thủy điện sẽ chưa thực sự khởi sắc. Tuy vậy, VDSC vẫn cho rằng tỷ lệ alpha 98% là tỷ lệ đỉnh mà EVN có thể áp cho nhóm thủy điện.

Trong kịch bản thận trọng, các chuyên gia của công ty chứng khoán này cho rằng tỷ lệ này sẽ duy trì trong năm 2025, sự cải thiện của nhóm thủy điện được kỳ vọng sẽ đến từ tăng trưởng sản lượng do chu kỳ La Nina.

Đối với kịch bản tích cực, theo VDSC, hiệu quả kinh doanh năm 2025 của nhóm thủy điện sẽ cải thiện mạnh nhờ tăng trưởng sản lượng do chu kỳ La Nina, và tỷ lệ alpha giảm khi EVN có khả năng chủ động hơn trong việc điều chỉnh giá bán lẻ điện theo biến động của giá nhiên liệu và các nguồn điện đầu vào.

VDSC cũng cho biết, sau khi quan sát số liệu thống kê, có thể EVN sẽ cần tiếp tục điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện trong năm 2024 - 2025 ít nhất 5% (tương ứng 100 đồng/kWh) để có thể hòa vốn.

Trong tháng 5/2024, EVN đã được ban hành cơ chế điều chỉnh giá điện trong 3 tháng theo Quyết định 05/2024 QĐ-TTg (so với 6 tháng trước đây). VDSC kỳ vọng việc được điều chỉnh giá bán lẻ điện sẽ là dư địa để EVN bớt tạo áp lực về tỷ lệ alpha và giá bán cho các công ty thủy điện.

Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật

https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/8090607187665633