Nhìn vào thống kê trong báo cáo mới nhất của FIDT cho thấy, từ đầu năm giá trị giao dịch ròng của nhà đầu tư cá nhân trong nước đạt mức 14.601 tỷ (+10.000 tỷ chỉ trong tháng 3), trở thành động lực chính dẫn dắt thị trường chung đi lên.
Tuy vậy, việc chiếm tỷ trọng lớn hơn 80% giá trị giao dịch toàn thị trường (trung bình 1 năm gần nhất) cũng khiến cho nhóm NĐT này mang lại rủi ro cho thị trường. Bởi nhà đầu tư cá nhân với thường có đặc điểm ưa thích sử dụng đòn bẩy cao và dễ bị các tin tức ảnh hưởng đến tâm lý làm cho thị trường chứng khoán Việt Nam mang tính biến động cao.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Bối cảnh bức tranh vĩ mô tháng 4 còn nhiều yếu tố chưa chắc chắn, các tin tức tiêu cực sẽ dễ dàng khiến dòng tiền NĐT cá nhân phản ứng mạnh. Nhất là khi lượng tiền này vẫn đang sẵn sàng rời bỏ thị trường do tâm lý chốt lời khi VN-Index đã tăng trưởng một nhịp khá dài và được nhận định còn mang nhiều rủi ro điều chỉnh.
Theo FIDT, hiện tại dòng tiền mang các tính chất phòng thủ rủi ro cao và khó đoán định, không loại trừ khả năng rút mạnh và mang đến các pha rung lắc giảm mạnh của VN-Index.
Ngoài ra, thị trường còn chịu áp lực bán mạnh từ nhà đầu tư nước ngoài. Đà bán ròng của khối ngoại tạo áp lực cho thị trường chung theo 2 hướng chính đó là tâm lý nhà đầu tư tiêu cực kéo dài và gia tăng tỷ trọng dòng vốn của nhà đầu tư cá nhân trong tổng giao dịch, chính vì vậy mang lại rủi ro biến động mạnh khi nhóm tiền này không còn động lực tăng.
Đội ngũ phân tích FIDT cho biết, dòng tiền nước ngoài có thể tiếp tục rút ròng bởi một số yếu tố.
Đầu tiên, bán ròng của khối ngoại tập trung lớn vào các quỹ chủ động hơn là các ETF và dòng tiền này vẫn tập trung vào các quốc gia thị trường chứng khoán có nhiều nhóm ngành công nghệ hơn là các thị trường đặc trưng bởi các ngành mang tính chu kỳ cao.
Tiếp đó, dù lãi suất đã đạt đỉnh nhưng Fed đang phát tín hiệu không vội cắt lãi suất sớm.
Đồng thời, nền kinh tế Mỹ chứng minh sức mạnh bền bỉ và dễ thu hút dòng vốn, lo ngại về sức khỏe thực của nền kinh tế Mỹ khi có sự chênh lệch (Gap) giữa GDP và GDI cũng đã không còn khi GDI đã tăng trưởng mạnh lấp lại gap này.
Và cuối cùng, rủi ro tỷ giá cần theo dõi thêm sau khi hoạt động phát hành T-Bill của SBV chưa phát huy được tác dụng như mong muốn.
Trong ngắn hạn, thị trường đang có nhiều sự hoài nghi về đà tăng trưởng do chỉ số đã tăng một nhịp khá dài và cần một nhịp điều chỉnh ngắn hạn để dòng tiền có thể luân chuyển sang nhóm ngành khác sau khi động lực kéo thị trường từ nhóm ngân hàng đã dần hạ nhiệt. Các yếu tố về hút T-bills, tỷ giá đang ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý nhà đầu tư và kết quả GDP quý 1 đang được nhà đầu tư rất kỳ vọng tích cực, tuy vậy theo FIDT đánh giá của thì GDP chỉ phục hồi ở mức tương đối và không thực sự mạnh mẽ như nhà đầu tư kỳ vọng.
Nhóm phân tích FIDT dự báo, trong trung hạn dòng tiền đầu tư với nhiều triển vọng vẫn sẽ đổ vào thị trường, dòng tiền sợ rủi ro sẽ có kế hoạch lánh nạn, vậy nên chúng tôi cho rằng diễn biến thị trường trong tháng 4 tới sẽ có nhiều sự biến động và khó đoán định.
Tuy vậy, về dài hạn, bức tranh tổng quan vẫn có triển vọng tích cực. Nền kinh tế đang ghi nhận sự hồi phục ngày một rõ nét hơn khi chỉ số PMI đang tăng trở lại, xuất khẩu hay bán lẻ có xu hướng phục hồi đơn hàng đã kín đến hết quý 2 năm 2024, trong khi đó giải ngân đầu tư công, đầu tư tư nhân đang được đốc thúc rất quyết liệt.
Các chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khóa được thực hiện trong năm 2023 cũng dần thẩm thấu vào nền kinh tế và kích thích sự tăng trưởng trở lại của các doanh nghiệp. Đồng thời, câu chuyện nâng hạng và niềm tin của nhà đầu tư sẽ tiếp tục được củng cố sẽ là động lực trong trung và dài hạn cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7633345123391844/?