Thị giá nhóm cổ phiếu ngân hàng trong vòng 1 tháng qua tăng tích cực, trong đó nhiều mã tăng hơn 10% như BID (BIDV), VCB (Vietcombank), ACB (Ngân hàng Á Châu), CTG (Vietinbank), EIB (Eximbank), TCB (Techcombank), MBB (MB), OCB (Oricombank)...
Đáng chú ý, trong phiên khai xuân ngày 15/2, "sóng" cổ phiếu ngân hàng tiếp tục dâng cao. Dòng tiền bị hút vào cổ phiếu ngân hàng làm cho các ngành khác giao dịch khá ảm đạm.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.
Được biết, cổ phiếu MSB đóng cửa trong tình trạng không có bên bán, trong khi dư mua hơn 430.000 cổ phiếu. Trên sàn HoSE, cổ phiếu này đứng thứ ba về khối lượng khớp lệnh, ghi nhận khối lượng giao dịch cả phiên đạt 35,34 triệu cổ phiếu (gấp 5 lần phiên trước đó), đồng thời phá kỷ lục được thiết lập hơn 3 năm trước. Đây cũng là cổ phiếu ngân hàng duy nhất tăng trần trong phiên. Với đà tăng liên tục 5 phiên, vốn hoá thị trường của ngân hàng này hiện đạt khoảng 31.000 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu nhà băng đã bắt đầu có tín hiệu hưng phấn từ phiên cuối năm ngoái (29/12/2023), trở thành động lực chính dẫn dắt thị trường, sau một thời gian dài “lặng sóng” dưới áp lực từ nợ xấu và nút thắt tăng trưởng tín dụng.
Quỹ đầu tư cổ phiếu tăng trưởng Ballad Việt Nam của SGI Capital cho hay, trong tháng 1 hiệu suất đầu tư của quỹ ghi nhận mức 4,84%. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang chiếm đến 40,2% trong cơ cấu danh mục với một số cổ phiếu như: ACB, MBB, CTG, TPB, VIB (VIB).
Các chuyên gia phân tích của các công ty chứng khoán hầu hết đều cho rằng cổ phiếu ngân hàng sẽ hút mạnh dòng tiền, qua đó tiếp tục đóng vai trò trụ cột để hỗ trợ đà tăng cho thị trường. Vì thực tế, trong tháng đầu năm 2024 nhóm cổ phiếu này vừa trải qua sóng tăng khoảng 10% nhưng so với giai đoạn 2020-2022 con số này vẫn còn tương đối khiêm tốn.
Theo nhận xét của Chứng khoán VPS, năm 2023, phần lớn giá cổ phiếu ngân hàng đều chưa đạt đến đỉnh, vào thời điểm tháng 4/2022, nhiều cổ phiếu giao dịch ở mức định giá thấp, quanh 1 lần P/B.
Cũng theo VPS, nhóm ngân hàng có nhiều động lực tăng trưởng trong giai đoạn nửa đầu năm 2024 khi mà mặt bằng lãi suất thấp thúc đẩy nhu cầu tín dụng phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Đồng thời, các vướng mắc của các doanh nghiệp bất động sản đang dần được tháo gỡ, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phục hồi dần.
Theo ông Lã Giang Trung - CEO Passion Investment, ngân hàng sẽ là "nhóm cổ phiếu của năm 2024". Trên nền lãi suất thấp duy trì được Chính phủ định hướng cộng thêm nền định giá thấp với P/E 5-6 lần, P/B 1-1,2 lần, cổ phiếu ngân hàng sẽ có nhiều lợi thế tăng mạnh.
Trong kịch bản cơ sở với nền lãi suất huy động được duy trì thấp và tăng trưởng tín dụng dần cải thiện, BSC Equity Research dự báo trong năm 2024 thu nhập lãi thuần của các ngân hàng có thể tăng trưởng 19%, giúp lãi ròng dự kiến tăng trưởng 20% so với năm 2023.
Tuy vậy, ngoài những triển vọng lạc quan, một số chuyên gia cũng lưu ý, vẫn còn những rủi ro mà nhà đầu tư không nên bỏ qua. Đó là áp lực trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản lớn, làm cho tình trạng rủi ro với một số ngân hàng sở hữu tỷ trọng trái phiếu cao.
Bên cạnh đó, giai đoạn vừa qua việc tăng giá liên tục của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã khiến nhà đầu tư hăng hái tham gia nhưng đi cùng đó là sự thận trọng cũng gia tăng khi việc mua đuổi trở nên rủi ro hơn.
Theo khuyến nghị của chuyên gia VPS, các nhà đầu tư có thể chờ đợi cơ hội rung lắc tham gia, ưu tiên lựa chọn các cổ phiếu ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp, trích lập dự phòng cao, tăng trưởng CASA tích cực như: VCB, ACB, MBB, CTG.
Theo Tạ Ngọc/ Diễn đàn sự thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7434028519990173/?