Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc hôm 9/7 đã tuyên bố tổng số gấu trúc ngoài tự nhiên của nước này đã tăng lên hơn 1.800 con. Điều đó giúp loài gấu trúc chỉ bị xếp loại "dễ bị tổn thương" chứ không còn là động vật có nguy cơ tuyệt chủng ở mức “nguy cấp”.
Gấu trúc là một trong những loài vật mang tính biểu tượng của Trung Quốc, và được biết tới rộng khắp trên thế giới.
Đây là loài có thể ăn tạp và thuộc bộ ăn thịt, nhưng thực tế đa phần chỉ ăn tre, trúc. Mỗi con gấu trúc trưởng thành có thể ăn tổng cộng 38kg tre, trúc mỗi ngày, theo Telegraph.
Kể từ những năm 1970, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc khảo sát số lượng gấu trúc. Những cuộc khảo sát này được thực hiện 10 năm một lần, tập trung ở các tỉnh có nhiều gấu trúc sinh sống như Tứ Xuyên, Thiểm Tây, và Cam Túc.
Cơ quan chức năng của Trung Quốc cho biết các phương pháp bảo vệ loài gấu trúc bao gồm việc lập các khu bảo tồn, di dời người dân ra khỏi khu vực sinh sống của gấu trúc, cũng như đào tạo dân địa phương trông coi, nhân giống gấu trúc trong điều kiện nuôi nhốt.
Trung Quốc đã dành nhiều thập kỷ thúc đẩy các nỗ lực tăng trưởng số lượng gấu trúc ngoài tự nhiên. Bên cạnh các biện pháp cấm săn trộm và buôn bán da gấu trúc được áp dụng từ những năm 1980, nước này cũng đã mở rộng nhiều khu bảo tồn thiên nhiên nhằm bảo vệ môi trường sống của loài động vật này.
Gấu trúc ban đầu được đưa ra khỏi danh sách các loài nguy cấp của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế vào năm 2016, nhưng thông tin này không được giới chức Trung Quốc chấp nhận.
Theo cơ sở nghiên cứu giống gấu trúc ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, số lượng cá thể gấu trúc ngoài tự nhiên ở Trung Quốc đã tăng lên hơn 1.800 con, và đạt tốc độ tăng trưởng mỗi lúc một cao, từ 1,04% lên 12% trong vòng 20 năm qua.