Xây dựng các mục tiêu tham vọng trước thềm Hội nghị lần thứ 27
Trong một văn bản công bố ngày 24/10, Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi xây dựng các mục tiêu tham vọng trước thềm Hội nghị lần thứ 27 các Bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP27). Song khối này không đưa ra con số cụ thể về khoản trợ giúp tài chính cho các nước đang phát triển.
EU thừa nhận cần phải đặt ra các mục tiêu tham vọng hơn nữa để hiện thực hóa mục tiêu kiểm soát nhiệt độ theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Văn bản của EU kêu gọi các nước đưa ra những mục tiêu tham vọng trước khi diễn ra Hội nghị COP27 tại Ai Cập vào tháng tới.
EU thừa nhận cần phải đặt ra các mục tiêu tham vọng hơn nữa để hiện thực hóa mục tiêu kiểm soát nhiệt độ theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. (Ảnh minh họa)
EU khẳng định khối này sẵn sàng cập nhật đóng góp của các quốc gia thành viên "càng sớm càng tốt" sau các cuộc thảo luận nội khối để hoàn thiện kế hoạch chống biến đổi khí hậu. Kế hoạch trên nhằm mục tiêu vào năm 2030 giảm 55% lượng phát thải của EU so với mức năm 1990.
Tuy nhiên, EU vẫn tỏ ra thận trọng về khoản trợ giúp tài chính cho các nước đang phát triển - vấn đề dự kiến sẽ được thảo luận sôi nổi tại Hội nghị COP27.
Các nước giàu hiện nay vẫn chưa thực hiện cam kết cấp viện trợ ít nhất 100 tỷ USD/năm để giúp các nước nghèo giảm khí thải và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đầu tháng Chín, đại diện của 24 quốc gia châu Phi đã kêu gọi các nước phát triển tôn trọng những cam kết tài chính nhằm giúp châu lục này thích ứng với biến đổi khí hậu. Đến năm 2030, châu Phi sẽ cần 2.000 tỷ USD để giải quyết việc chuyển đổi năng lượng.
Hội nghị COP27 dự kiến sẽ được tổ chức tại thành phố Sharm El Sheikh, ở Biển Đỏ của Ai Cập từ ngày 6-18/11 tới.
COP27 ưu tiên lĩnh vực y tế cộng đồng với kế hoạch phát triển bền vững
Mới đây, ngày 11/10, Đại diện cấp cao về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (LHQ) tại Ai Cập, ông Mahmoud Mohieldin cho biết Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 27 Các bên tham gia công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP27) diễn ra tại nước này vào tháng 11 tới sẽ thảo luận các ưu tiên về y tế cộng đồng phù hợp với các kế hoạch phát triển bền vững.
Phát biểu của ông Mohieldin tại phiên họp thứ 69 của Hội nghị về Đông Địa Trung Hải của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại thủ đô Cairo. Theo ông, ngành y tế đóng góp 4,4% lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới, do đó ngành này cần cân nhắc các tác động đến môi trường. Ông lưu ý lượng khí thải độc hại đang tăng khoảng 14%, đi ngược lại với các cam kết quốc tế là giảm 45% vào năm 2030. Quan chức này nhấn mạnh điều quan trọng là phải kết nối các ưu tiên trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu với các thách thức toàn cầu liên quan đến y tế.
Hội nghị COP27 dự kiến diễn ra từ ngày 6-18/11 tới sẽ tập trung đảm bảo thực hiện chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc và giảm thiểu các hậu quả đe dọa y tế cộng đồng do tình trạng ấm lên toàn cầu, khí thải độc hại gia tăng và suy dinh dưỡng gây ra. Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ tài chính trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, khi mà 80% nguồn tài chính để ứng phó với vấn đề này đến từ ngân sách quốc gia, ông Mohieldin cho hay.
Trước đây, tại các hội nghị thượng đỉnh về khí hậu, các nước phát triển đã cam kết quyên góp 100 tỷ USD vào năm 2020 nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách của các nước đang phát triển. Ngay cả trong trường hợp được giải ngân đủ, số tiền này chỉ đáp ứng được 3% nhu cầu của các quốc gia đó. Vì vậy, ông Mohieldin cho rằng các công cụ để thực hiện các dự án về chống biến đổi khí hậu chính là khuyến khích và khởi động các công cụ tài chính sáng tạo, đồng thời tận dụng thị trường tài chính liên quan đến “tài chính xanh bền vững”. |