Trần Chung ·
2 năm trước
 2514

Trường hợp nào khách hàng sẽ được ngân hàng giãn, hoãn nợ bởi dịch bệnh Covid-19?

Dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều cá nhân, doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh khó khăn, và gánh nặng nợ ngân hàng là điều khiến nhiều người lao đao. Vậy, câu hỏi đặt ra là trường hợp nào sẽ được giãn, hoãn nợ bởi dịch Covid-19?

Hàng nghìn người đang vay tại các ngân hàng, công ty tài chính đột nhiên mất khả năng trả nợ đúng hạn do nguồn thu nhập giảm. Bằng chứng là gần đây, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tiếp nhận nhiều thắc mắc của công dân về việc hỗ trợ của ngân hàng cho người vay mua nhà trong dịch Covid-19, nhiều người mất nguồn thu do thất nghiệp hoặc thu nhập giảm sút.

Trong hoàn cảnh này, các ngân hàng, công ty tài chính đang rất nỗ lực hỗ trợ khách hàng, song hiện tại tốc độ gửi đơn đề xuất xin cơ cấu nợ, giãn nợ tăng chóng mặt, đồng thời có nhiều trường hợp khách hàng không đủ điều kiện nhưng vẫn nộp đơn khiến tốn thời gian và công sức của nhân viên tài chính - ngân hàng.

Vậy nên, mỗi người cần tìm hiểu kĩ để trả lời được câu hỏi "Trường hợp nào sẽ được giãn, hoãn nợ bởi dịch Covid-19?"

Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 và Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 2/4/2021 (sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN) quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Theo đó, khách hàng được tổ chức tín dụng đánh giá đáp ứng các điều kiện như:

- Không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19.

- Có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại;

- Khoản vay, cho thuê tài chính phát sinh nghĩa vụ nợ, trả nợ gốc, lãi trong thời gian quy định (nợ phát sinh trước ngày 10/6/2021…) thì được tổ chức tín dụng xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định.

Việc xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi… thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng. Theo đó, đề nghị các công dân cần làm việc với các tổ chức tín dụng để được xem xét, xử lý theo đúng quy định.

giãn nợ ngân hàng

Việc xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi… thuộc thẩm quyền của tổ chức tín dụng

Như vậy, để tránh mất thời gian cũng như tiền bạc, người vay vốn cần nắm rõ chính sách giảm lãi, cơ cấu nợ của từng ngân hàng đặc biệt là Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Cụ thể, Thông tư 03 quy định thời hạn trả nợ, khoản nợ được cơ cấu lại phải đảm bảo các điều kiện là: Phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2021.

Đồng thời, khách hàng phải chứng minh được mình không có khả năng trả nợ đúng hạn theo hợp đồng, do bị ảnh hưởng của dịch Covid -19. Thông tư cũng nêu rõ, khách hàng phải có đề nghị được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tổ chức tín dụng đánh giá khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại.

Ngoài ra, thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ không được vượt quá 12 tháng kể từ ngày hưởng ưu đãi và phải phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 của từng khách hàng.

Đối với việc miễn, giảm lãi suất, tổ chức tín dụng quyết định theo quy định của nội bộ. Theo đó, người đi vay sẽ được xem xét miễn, giảm lãi dựa vào số dư nợ của khoản vay phát sinh từ trước 10/06/2020 và nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc lãi đến hạn trong thời gian 23/01/2020 đến 31/12/2021. Đồng thời, điều kiện đủ là khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và lãi do doanh thu, thu nhập giảm sút bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Bên cạnh nắm rõ chính sách giảm lãi tại Thông tư 03, người vay cần làm việc trực tiếp với tổ chức tín dụng để được hướng dẫn, xử lý theo đúng thẩm quyền và quy định pháp luật.