Lộ trình phân loại rác thải tại nguồn
Từ 1/1/2025, tức chỉ còn hơn 1 năm nữa, cả nước sẽ phải đồng loạt bắt buộc thực hiện phân loại rác tại nguồn. Theo hướng dẫn, 3 nhóm chất thải chính sẽ được phân loại gồm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; Chất thải rắn sinh hoạt khác.
Các địa phương sẽ còn rất nhiều việc phải làm từ việc tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng, đến việc đồng bộ trong tất cả các khâu từ đầu tư hạ tầng thu gom, vận chuyển, đến xử lý tái chế rác thải sinh hoạt.
Các hộ dân được hướng dẫn phân loại rác thành 2 loại: Rác tái chế bao gồm nylon, chai thủy tinh.. được thu gom riêng, để tái chế...và rác còn lại, bao gồm cả hữu cơ, sau đó đưa ra điểm thu gom.
Tuy nhiên, để không lặp lại câu chuyện hơn 10 năm trước, rác sau phân loại đổ chung vào 1 xe thu gom và chưa được tái chế triệt để, khiến nhiều người dân không duy trì lâu dài, Hà Nội còn nhiều việc phải làm.
Ảnh minh họa
Hiện nay, một số địa phương vẫn đang thực hiện phân loại rác tại nguồn, tuy nhiên theo các chuyên gia môi trường để việc phân loại được hiệu quả, từ khâu thu gom, xử lý cần được đầu tư hơn nữa đặc biệt cơ sở hạ tầng và các nhà máy để xử lý cho từng loại rác.
Để thực thi quy định phân loại rác thải tại nguồn, TP Hà Nội và nhiều đô thị sẽ triển khai nhiều biện pháp như tuyên truyền, hướng dẫn, xây dựng các trạm trung chuyển, phương tiện, nhân lực thu gom, vận chuyển riêng biệt từng loại rác và cách tính phí xử lý rác theo khối lượng hay theo thể tích cần có các quy định cụ thể.
Như vậy đến 1/1/2025, nếu không thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Theo nghị định này, hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định có thể bị phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng.
Nghị định cũng quy định các mức xử phạt cụ thể đối với hành vi rò rỉ, thải hóa chất độc vào môi trường đất, nước; vi phạm các quy định về đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam; hành vi cản trở hoạt động quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường… Cụ thể, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.
Phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển…
Cần đồng bộ tất cả các khâu trong phân loại rác thải tại nguồn
Việc đồng bộ tất cả các khâu từ phân loại, thu gom, đặc biệt là xử lý tái chế rác thải sinh hoạt là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của phân loại rác tại nguồn.
Chính vì vậy, việc đầu tư, huy động các nguồn lực cho hạ tầng xử lý, tái chế rác thải được rất nhiều địa phương quan tâm, nhất là các vùng nông thôn, miền núi nơi việc xử lý rác thải đang gặp rất nhiều khó khăn.
Khối lượng rác thải ở các khu vực miền núi, nông thôn và cả nước vẫn không ngừng gia tăng, trên 12% mỗi năm. Hàng ngày vẫn có tới 85% trong số trên 67.000 tấn chất thải sinh hoạt mỗi ngày trong cả nước đang xử lý theo hình thức chôn lấp không phân loại, khiến nhiều bãi rác quá tải và ô nhiễm nghiêm trọng.
Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố có trách nhiệm bố trí, lựa chọn hạ tầng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, giám sát việc thực thi, phổ biến tuyên truyền cho người dân về phân loại rác. Ngoài ra, các địa phương sẽ quy định chi tiết về giá đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho hay: "Bên cạnh chuẩn bị về nhận thức, trang bị hạ tầng thì các địa phương nên hình dung ngay thiết kế sau phân loại đưa về đâu và đưa nó trở thành một chuỗi của quá trình phân loại ấy, như vậy mới thành công được".
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài Nguyên và Môi trường: "Ba yêu cầu để chúng ta có thể thực hiện thành công là tài chính, năng lực, công nghệ...".
Phân loại rác tại nguồn là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn bởi rác thải nếu chỉ chôn lấp thông thường sẽ gây rất nhiều lãng phí như tốn diện tích lớn cho việc xây dựng, chi phí vận hành các bãi chôn lấp; nguy cơ gây ô nhiễm môi trường... Ngoài ra, các nguồn nguyên liệu có thể tái chế… cũng bị vùi chôn trong đất mà theo tính toán phải mất hàng trăm năm sau mới có thể phân hủy. Trong khi đó, việc tái chế rác thải không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích về kinh tế.
Theo Thành Phong/Diễn Đàn Sự Thật
https://www.facebook.com/groups/4054824701243922/posts/7149951275064567/