Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 09/2023/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2014/TT-BCT quy định về thực hiện giá bán điện và Thông tư 25/2018/TT-BCT sửa đổi Thông tư 16/2014/TT-BCT. Trong đó, sửa một số quy định về hộ sử dụng điện dùng chung công tơ và sử dụng điện sinh hoạt đối với nhà ở tập thể.
Theo đó, Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/6/2023.
Cụ thể, đối với bên mua điện sinh hoạt có các hộ sử dụng điện dùng chung công tơ, theo Thông tư 09/2023/TT-BCT, việc xác định sẽ theo thông tin về cư trú của hộ gia đình tại địa điểm sử dụng điện.
Trước đây, theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư 16/2014/TT-BCT, việc xác định bên mua điện sinh hoạt có các hộ sử dụng điện dùng chung công tơ sẽ được căn cứ vào hộ khẩu.
Thông tư 09/2023/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số quy định về hộ sử dụng điện dùng chung công tơ và sử dụng điện sinh hoạt đối với nhà ở tập thể.
Bên mua điện sinh hoạt có các hộ sử dụng điện dùng chung công tơ, áp dụng giá bán điện cho các hộ sử dụng theo nguyên tắc định mức chung của bên mua điện bằng định mức của từng bậc nhân với số hộ sử dụng điện dùng chung công tơ.
Đối với bên mua điện sử dụng vào mục đích sinh hoạt cho nhà ở tập thể có thể kê khai được số người, theo Thông tư 09/2023/TT-BCT trường hợp có thể kê khai được số người thì cứ 04 (bốn) người (xác định theo Thông tin về cư trú tại địa điểm sử dụng điện hoặc danh sách cán bộ, chiến sỹ có xác nhận của thủ trưởng đơn vị đối với lực lượng vũ trang) được tính là một hộ sử dụng điện để áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt.
Trước đó, tại điểm a Khoản 3 Điều 10 Thông tư 16/2014/TT-BCT, quy định bên mua điện sử dụng vào mục đích sinh hoạt cho nhà ở tập thể của cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, nhà ở của người tu hành; ký túc xá học sinh, sinh viên áp dụng như sau:
Trường hợp có thể kê khai được số người thì cứ 4 người (căn cứ vào sổ tạm trú hoặc danh sách cán bộ, chiến sỹ có xác nhận của thủ trưởng đơn vị đối với lực lượng vũ trang) được tính là một hộ sử dụng điện để áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt.
Như vậy, cách xác định bên mua điện sử dụng vào mục đích sinh hoạt cho nhà ở tập thể trong trường hợp có thể kê khai được số người sẽ dựa vào sổ tạm trú hoặc danh sách cán bộ, chiến sỹ có xác nhận của thủ trưởng đơn vị đối với lực lượng vũ trang.
Theo các chuyên gia, giá thành sản xuất điện ở Việt Nam cũng không thể tránh khỏi tăng do giá than và dầu tăng. Chính phủ điều tiết giá than trong nước ổn định, nhưng những nhà máy điện sử dụng than nhập khẩu không thể tránh khỏi giá thành điện tăng.
Để ổn định kinh tế, xã hội trong giai đoạn đại dịch Covid-19, mấy năm vừa qua Chính phủ chưa cho điều chỉnh tăng giá điện. Giá điện bán lẻ cho sinh hoạt và sản xuất của Việt Nam không tăng từ năm 2019 cho đến nay. Không những thế, trong các năm 2020 và 2021, EVN còn trực tiếp giảm giá điện, giảm tiền điện trong 5 đợt với tổng số tiền là hơn 16.950 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp và người dân trong dịch bệnh Covid-19.
Vừa qua, khung giá điện mới đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành trong Quyết định số: 02/2023/QĐ-TTg, ngày 3/2/2023. Theo đó, mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh và mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 2.444,09 đồng/kWh. So với khung giá cũ, khung giá bán lẻ tối thiểu mới tăng 220 đồng/kWh, khung giá bán lẻ tối đa tăng 538 đồng/kWh. Tuy nhiên, đến nay biểu giá mới cụ thể theo Quyết định này vẫn chưa được ban hành.