Ngọc Lan ·
5 tuần trước
 9002

Từ những trang trại điện gió trên thế giới đến giai đoạn khởi tạo “dòng năng lượng xanh” ở Việt Nam

Điện gió ngoài khơi - nguồn điện xanh thế hệ mới đã được các quốc gia phát triển mạnh trong nhiều năm qua. Theo dự báo, nguồn năng lượng này có thể đạt 500 GW lắp đặt vào năm 2040, 1.000 GW vào năm 2050.

Mang lại nhiều lợi ích lớn

Theo chuyên gia năng lượng tái tạo Steve Sawyer từ GWEC, điện gió đã trở thành một phần không thể thiếu trong cơ cấu năng lượng toàn cầu, đóng góp lớn vào việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính và hướng tới một tương lai bền vững hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính có hơn 71.000 GW tiềm năng điện gió ngoài khơi trên toàn cầu. ưu điểm chính của năng lượng gió ngoài khơi là khả năng tạo ra điện cao hơn vì tốc độ gió trên đại dương thường ổn định hơn và mạnh hơn so với trên đất liền. Đây cũng được coi là giải pháp đột phá nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu nhập khẩu và đặc biệt là giảm phát thải chất ô nhiễm và khí nhà kính. Xu hướng chung thế giới nỗ lực giảm khí thải nhà kính để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu tạo ra nhu cầu hướng tới các dạng năng lượng tái tạo có hàm lượng carbon thấp.

Về “năng lực” bảo vệ môi trường, tính cả vòng đời dự án thì điện gió ngoài khơi ít phát thải khí CO2 và so với các nguồn điện khác thì nó cũng sử dụng ít nước và đất hơn. Nhiên liệu hóa thạch phát thải trung bình 500 tấn CO2 trên mỗi GWh điện được sản xuất ra. Trong khi đó, một trang trại gió 1 GW giúp cắt giảm được hơn 2,2 triệu tấn CO2 mỗi năm. Được biết, nhiên liệu hóa thạch phát thải bình quân 1,1 tấn sulphur dioxide (SO2) và 0,7 tấn nitrogen oxides (NOx) trên mỗi GWh điện sản xuất ra. Đây là những tác nhân gây ô nhiễm không khí có tác động lớn đến môi trường và sức khỏe người dân.

Theo báo cáo của Tổ chức Năng lượng Tái tạo Thế giới (IRENA), các nguồn điện năng lượng tái tạo có thể tạo ra 130.000 TWh điện mỗi năm, cao hơn gấp đôi nhu cầu tiêu thụ điện toàn cầu hiện nay. Trong đó, điện gió ngoài khơi vào năm 2050 có thể chiếm đến gần 40% sản lượng điện năng lượng tái tạo trên toàn cầu. Bên cạnh đó, trong giai đoạn chuẩn bị, xây dựng và tháo dỡ,... sẽ tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện đời sống của người dân. Từ góc độ du lịch, điện gió ngoài khơi có thể mang đến lợi ích to lớn khi tạo ra nét độc đáo riêng biệt để quảng bá thu hút khách du lịch. Các dự án có thể thu hút du khách tham gia “săn gió ngoài khơi”, qua đó cũng tạo cơ hội việc làm và thúc đẩy hoạt động các doanh nghiệp địa phương như khách sạn, nhà hàng và công ty lữ hành.

Có thể thấy, các dự án điện gió ngoài khơi có đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm, du lịch thân thiện với môi trường, phù hợp với xu hướng toàn cầu. Khi các nhà máy điện gió ngoài khơi đi vào hoạt động sẽ tạo thêm việc làm chất lượng cao từ nguồn nhân lực trong nước.

Theo báo cáo của GWEC, ngành công nghiệp điện gió đã tạo ra hơn 1,2 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp trên toàn thế giới, chủ yếu trong các lĩnh vực như sản xuất, lắp đặt và bảo trì tuabin gió. Ngoài ra, cấu trúc móng dưới nước của các tuabin gió ngoài khơi có thể hoạt động như các rạn san hô nhân tạo, thu hút một số loài nhuyễn thể và cá nhỏ, tác động trực tiếp đến chuỗi thức ăn của các loài sinh vật lớn. Từ đó giúp hệ sinh thái biển dần được phục hồi và trở thành khu bảo tồn thiên nhiên. Hiện ngày càng có nhiều thị trường điện gió ngoài khơi xuất hiện khi chính phủ các nước trên khắp thế giới thiết lập các mục tiêu triển khai điện gió ngoài khơi như một phần trong chiến lược Netzero của họ.

Trong những năm gần đây, công nghệ điện gió đã có những bước tiến vượt bậc, đặc biệt là sự phát triển của các tuabin gió lớn hơn và hiệu quả hơn. Các tuabin gió hiện đại có thể có cánh quạt dài tới 107 mét và có khả năng tạo ra điện từ gió ở tốc độ thấp hơn so với trước đây, giúp tăng cường hiệu suất và mở rộng phạm vi lắp đặt điện gió, kể cả ở những khu vực có tốc độ gió thấp. Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ gió ngoài khơi cũng đóng góp quan trọng vào việc tăng cường công suất điện gió toàn cầu.

Năm 2023 công suất điện gió ngoài khơi toàn cầu đã vượt qua ngưỡng 50 GW, với các dự án lớn đang được triển khai tại Bắc Âu và Đông Á. Báo cáo Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo, năm 2040 sẽ có 1.000 tỷ USD đầu tư vào điện gió ngoài khơi và châu Á chiếm tới hơn 60%. Tổng công suất lắp đặt điện gió ngoài khơi của Trung Quốc từ 4 GW (2019) đến nay đã tăng lên hơn 37,6 GW (vượt tổng công suất điện gió ngoài khơi của châu Âu), dự báo sẽ đạt 110 GW vào năm 2040 và 350 GW vào năm 2050. Có thể thấy, điện gió ngoài khơi đã, đang và ngày càng được quan tâm, đẩy mạnh phát triển. 

Được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm và phát triển

Điện gió ngoài khơi là một công nghệ đã được chứng minh và triển khai trên quy mô lớn ở nhiều nước, đã trở thành nguồn năng lượng tái tạo quan trọng trên toàn cầu. Trong 3 thập kỷ qua, hứa hẹn như một hình thức phát điện ở quy mô lớn, sạch và đáng tin cậy, với khả năng khuyến khích các lợi ích về kinh tế. Năm 1991, các trang trại điện gió được lắp đặt đầu tiên ở vùng biển Đan Mạch, kể từ đó điện gió được phổ biến rộng ra toàn thế giới. Hiện nay, hàng trăm nước trên thế giới đã phát triển điện gió ở quy mô công nghiệp. Theo lịch sử phát triển, năng lượng tái tạo toàn cầu đã có bước tiến dài sau các mốc thời gian Hiệp định Kyoto (năm 1999), Hiệp định Paris (năm 2015) và mục tiêu thiên niên kỷ SDG nhằm giảm khí thải nhà kính, nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu từ năm 2005 với 50 GW điện gió, 15 GW điện mặt trời đến hết năm 2018 đã đạt kỷ lục tổng công suất điện gió là 590 GW, điện mặt trời là 400 GW.

Đến năm 2022, trên thế giới có 57,6 GW điện gió ngoài khơi được lắp đặt, trong đó Trung Quốc đứng đầu (25,6 GW) chiếm 44%, UK (13,6 GW), Đức (8 GW), Hà Lan (3 GW). Tại vùng biển tại Triều Châu, Quảng Đông, Trung Quốc dự kiến 30 GW sẽ lắp đến 2030. Năm 2022, Trung Quốc chiếm 2/3 điện gió ngoài khơi, lắp đặt 6,8 GW trong 9,4 GW điện gió ngoài khơi trên toàn cầu. Nhìn vào thống kê của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) cho thấy, lũy kế đến cuối năm 2023, tổng công suất lắp đặt điện gió ngoài khơi trên toàn cầu đạt 75,2 GW, trong đó đứng đầu là Trung Quốc (37,6 GW) chiếm 50%, Vương quốc Anh (13,6 GW) chiếm 20%, Đức (8 GW) chiếm 11%, Hà Lan (4,5 GW) chiếm 6%, Đan Mạch (3 GW) chiếm 4%. 5 quốc gia trên chiếm đến 91% trong tổng công suất lắp đặt điện gió ngoài khơi toàn cầu, các quốc gia còn lại (trong đó có Việt Nam) chỉ chiếm có 9%.

Một số quốc gia tiêu biểu có chính sách và đạo luật về năng lượng tái tạo được đánh giá là khá tiên tiến và toàn diện: Trung Quốc, Đan Mạch, Anh, Đức. Các nước này đều có luật năng lượng tái tạo và thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo nói chung và điện gió ngoài khơi nói riêng từ những năm 2000 do đó đã đạt được một số thành tựu đáng kể. Thời gian gần đây, các quốc gia như Mỹ, Úc cũng đã có chính sách cụ thể cho điện gió ngoài khơi gồm cơ quan đầu mối một cửa quản lý cấp phép điện gió ngoài khơi, Mỹ là Cục Năng lượng Đại dương (BOEM), Úc là Cục Năng lượng và Biến đổi Khí hậu và 1 số đạo luật về điện gió ngoài khơi. Các quốc gia này cũng tạo thuận lợi về quy hoạch không gian biển, đầu tư lưới điện, chuỗi cung ứng và logistics. Đan Mạch xây dựng atlas gió, quy hoạch các khu vực tiềm năng và hạ tầng kết nối. Vương quốc Anh thiết lập các vùng dự án, đầu tư nâng cấp lưới truyền tải. Đức đưa ra quy hoạch tích hợp các trang trại điện gió trên biển. Về công nghệ, các nước này đều chú trọng đầu tư nghiên cứu và phát triển các giải pháp tiên tiến như turbine công suất lớn (10 - 15 MW), nền móng nổi cho vùng nước sâu, hệ thống lưu trữ năng lượng. Chính sách ưu đãi và tài trợ của nhà nước đã thúc đẩy sự tham gia của các viện nghiên cứu, trường đại học và sự hợp tác với các nhà sản xuất turbine hàng đầu như: Vestas, Siemens Gamesa, GE.

Được biết, Đan Mạch có kế hoạch đạt mức tiêu thụ điện từ năng lượng gió ngoài khơi lên đến 50% vào năm 2030, trong khi Anh đã xây dựng thành công nhiều dự án điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới. Hiện nay, ngày càng có nhiều nước có ít thành tựu trước đây về điện gió ngoài khơi đang đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng để mở rộng cơ cấu năng lượng điện gió ngoài khơi của họ. Chẳng hạn như ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Nhật Bản đã đặt mục tiêu công suất lắp đặt là 10 GW (2030) và Hàn Quốc đang hướng tới 14,3 GW công suất (2030).

Cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26) về đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đã thể hiện quyết tâm chính trị cao trong việc chuyển dịch sang nền kinh tế xanh và năng lượng sạch. Điều này phù hợp với xu hướng chung trên toàn cầu về tập trung phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời. Chính sách này mở ra cơ hội phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao.

Trước đó, tháng 6/2019, Bộ Công Thương đã có quyết định chấp thuận cho việc thực hiện khảo sát, nghiên cứu và đầu tư xây dựng đối với dự án điện gió ngoài khơi mũi Kê Gà (Bình Thuận). Quyết định này được coi như bước đệm, đặt nền móng cho sự phát triển của ngành năng lượng gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Tiếp đó, tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng khẳng định: "Xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện chiến lược biển Việt Nam". Ngày 11/2/2020, Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành với nội dung: “…. Xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam”.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi năng lượng và giai đoạn khởi tạo của việc phát triển điện gió ngoài khơi cần nhiều thời gian, việc xây dựng các dự án điện gió ngoài khơi cũng gặp phải nhiều khó khăn và thách thức, như tranh chấp quyền sở hữu đất đai, tài nguyên biển và vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường.

Chính vì thế, cần có sự hợp tác giữa các quốc gia và các tổ chức quốc tế để xây dựng một hệ thống hành lang pháp lý và chính sách phù hợp cho phát triển điện gió ngoài khơi, cùng với đó đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan và bảo vệ môi trường. Kinh nghiệm từ các quốc gia đi đầu sẽ là bài học quý cho Việt Nam trong quá trình phát triển điện gió ngoài khơi trong thời gian tới.