Thông tin từ báo chí cho biết, tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia chia sẻ, nguồn vốn cho phát triển phân khúc nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân không phải là nhiều. Nhưng chính sách liên quan đến vấn đề này chưa đồng bộ, chưa rõ ràng và khá nhiều rủi ro dẫn đến chủ đầu tư chưa mặn mà, bên cho vay hoặc bên đầu tư còn chưa mạnh dạn.
Khu công nghiệp sẽ phục hồi từ quý IV/2022 nhờ sự nới hạn mức (room) tín dụng của Ngân hàng Nhà nước. (Ảnh minh họa)
Ông Lực nói: “Lâu nay tư duy về nhà ở xã hội lệch lạc khi cho rằng đây là nhà ở có tính chất từ thiện, xin cho, phục vụ một số đối tượng chính sách. Thực tế, cần quan niệm nhà ở phải gắn với đối tượng, phù hợp với thu nhập của người dân, trong đó có nhà ở cho người thu nhập thấp, thu nhập trung bình. Câu chuyện về quy hoạch phải rõ ràng hơn, cơ chế chính sách ưu đãi phải nhất quán giữa các địa phương với nhau và trong khuôn khổ khung đó, các địa phương có sự linh hoạt thực hiện”.
Phải có chủ trương định hướng quy định rõ hệ sinh thái cho nhà ở phân khúc này. Nếu chỉ có nhà ở không mà không có dịch vụ đi kèm thì không ai muốn mua. Tình trạng rất nhiều đất và nhà bỏ hoang xảy ra ở Trung Quốc chính là bài học kinh nghiệm quan trọng. Phải có hệ sinh thái cho nhà ở xã hội nói riêng và nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân nói chung, ông Lực cho hay.
Việc tiếp cận gói tín dụng ưu đãi vốn cho nhà đầu tư hiên nay, nguồn ngân sách Nhà nước luôn có hạn. Chính phủ đã cấp khoảng 2.000 tỷ phục vụ cho phát triển nhà xã hội trong khoảng 2 năm vừa qua. Tuy nhiên, việc cấp vốn này đôi khi chưa đầy đủ, chỉ dừng lại mức 500-700 tỷ.
Đồng thời, vướng mắc về mặt pháp lý, thủ tục giải phóng mặt bằng và một số quy định khác dẫn đến chủ đầu tư không triển khai được. Không triển khai được dự án đồng nghĩa với việc ngân hàng không thể cho vay và giải ngân.
Bởi vậy, câu chuyện về nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân cần sự vào cuộc của cả Chính phủ, doanh nghiệp và các địa phương. Vai trò của địa phương rất quan trọng trong việc giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho hệ sinh thái phân khúc BĐS nhà ở.
Nhận định về việc vừa qua, Ngân hàng Nhà nước nới hạn mức (room) tín dụng sẽ tác động thế nào đến thị trường BĐS nói chung và phân khúc nhà ở nói riêng, ông Lực cho rằng room tín dụng được nới không phải quá nhiều.
Tuy nhiên hiện nay, nhu cầu phục hồi sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của doanh nghiệp và người dân rất thực tế. Số vốn được tăng thêm từ việc nới room tín dụng sẽ đi vào sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả, giúp cho kinh tế phục hồi, tạo đà tăng trưởng tốt hơn.
Ông Lực bày tỏ sự tin tưởng: “Với dư địa vốn không nhiều qua việc nới room tín dụng, hồ sơ sẽ được giải ngân ngay lập tức do không ngại rủi ro”.
Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cũng cho biết, dư nợ cho vay BĐS đang chiếm hơn 20% dư nợ của nền kinh tế. Trong đó, 67% gắn với BĐS nhà ở, 33% gắn với kinh doanh và đầu tư BĐS. Dư địa được tăng thêm từ nới room tín dụng sẽ có khoảng 15-20% được giải ngân cho 2 phân khúc BĐS nhà ở và BĐS khu công nghiệp.
Ông Lực dự báo: “BĐS thời gian vừa qua trầm lắng có nhiều nguyên nhân về pháp lý, tài chính, quy hoạch, thị trường vốn, cung và cầu. Khả năng phục hồi của thị trường BĐS, ví dụ BĐS phân khúc du lịch nghỉ dưỡng sẽ cần có thêm thời gian, khi chúng ta mở cửa quốc tế du lịch mạnh mẽ hơn.
Phân khúc về BĐS nhà ở, BĐS khu công nghiệp sẽ bắt đầu phục hồi từ quý IV/2022, khi đó dòng vốn tín dụng cũng đã được tăng thêm. Việc huy động vốn từ thị trường trái phiếu, cổ phiếu, đầu tư nước ngoài sẽ thuận lợi hơn, nhất là khi sắp tới, Chính phủ ban hành Nghị định 153 sửa đổi liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp”.
Thị trường bất động sản công nghiệp tiếp tục phát đi những tín hiệu phát triển khả quan khi có thêm nhiều dự án đầu tư khu công nghiệp mới được chấp thuận góp phần bổ sung nguồn cung mới cho thị trường. Tỉ lệ lấp đầy, giá thuê BĐS tại các khu công nghiệp trong nửa đầu năm 2022 có xu hướng tăng và đạt ở mức cao. |