Những chiếc túi xách được làm từ vỏ mì tôm có màu sắc bắt mắt, độ bền cao và khá mềm mại, có thể kháng nước. Sản phẩm này được sáng tạo bởi cô Vũ Thị Thảo, giáo viên trường THPT Vinschool, cùng học trò dành khoảng 15 tiếng để gấp và đan, tạo thành chiếc túi xách.
Sau khi hưởng ứng sự kiện "Tuần lễ bảo vệ môi trường" do Vinschool khởi động, nghiên cứu ý tưởng tái chế vào đầu tháng 2, cô Thảo đã nảy ra ý tưởng và kêu gọi học sinh tham gia, nhận được hưởng ứng từ đông đảo học trò trong và ngoài trường. Nguyễn Phương Linh, lớp 10 trường Vinschool, là học sinh đầu tiên đăng ký. Sau đó, Phạm Gia Tùng, lớp 11 trường THPT Xuân Đỉnh (quận Tây Hồ) cũng liên lạc với cô Thảo.
Ảnh: Thanh Hằng
Sau khi cân nhắc một số vật liệu như chai nhựa, nylon, cô giáo chọn vỏ mì tôm vì độ mềm, độ bền cao, màu sắc bắt mắt để làm đồ tái chế. Mì tôm là thực phẩm ứng dụng cao, được sử dụng thường xuyên trong đời sống nên dễ thu gom vỏ với số lượng lớn.
Theo VNEpress, để có nguyên liệu làm sản phẩm, Linh và Tùng liên hệ với khu dân cư xin lại vỏ mì tôm, phở, cháo ăn liền. Để sử dụng được, vỏ mì phải được cắt ngang miệng bỏ đi phần cạnh cứng, có răng cưa, không xé dọc. Sau đó phân loại, làm sạch bằng giấy lau và cuộn chúng lại thành những que dài. Phần thừa bỏ đi sẽ được học sinh thu gom lại rồi chuyển cho Công ty tái chế Rác là vàng, tránh xả ra môi trường. Với những túi xách, giỏ đựng đồ phức tạp, cô trò cần đến 10-12 tiếng để hoàn thành các sản phẩm, trong khi một sản phẩm bình thường chỉ cần mất tối thiểu 2 tiếng.
Sau một tháng hoạt động, dự án lớn dần nên cô trò quyết định thành lập câu lạc bộ Mì tôm xanh với 20 thành viên cùng hàng chục phụ huynh, học sinh trên cả nước đăng ký làm cộng tác viên cho dự án. Danh sách sản phẩm khá đa dạng, gồm túi, hộp bút, giỏ đựng, miếng lót ly, lọ hoa. Riêng túi xách, ngoài vỏ mì còn cần thêm vải, khóa kéo. Cô Thảo và học sinh dùng dây giày, chủ động liên lạc đến các cơ sở may mặc, xin lại những phần vải thừa. "Tôi không muốn lấy rác về lại trở thành rác, đồng thời thực hiện tiêu chí tiết kiệm nên tận dụng tối đa những thứ có thể tái chế", cô Thảo nói.
Ảnh: Bau.vn
Lợi nhuận thu về được từ sản phẩm được cô Thảo chia đều hai quỹ, một để ủng hộ chống Covid-19, còn lại quyên góp cho chương trình Cặp lá yêu thương của VTV nhằm chia sẻ khó khăn với những hoàn cảnh không may mắn.
Cũng như cô trò câu lạc bộ Mì tôm xanh, anh Lê Quốc Toàn, giáo viên mỹ thuật trường tiểu học, THCS Lý Thường Kiệt tại tỉnh Sóc Trăng cũng làm nên những chiếc túi xách bằng vỏ mì tôm độc đáo. Thời gian để hoàn thành một chiếc túi xách nếu làm liên tục phải mất 2 ngày cho túi nhỏ, với khoảng 250 vỏ gói mì và 3 ngày cho một túi lớn, với khoảng 400 vỏ gói mì.
Theo Vietnamnet, vỏ mì gói sau khi đem về sẽ được cắt bỏ những mối nối và vệ sinh thật sạch. Sau đó, chúng được cuộn lại thành từng sợi theo kích thước đã chọn. Tùy theo màu sắc của vỏ mì mà anh Toàn sẽ cho ra đời những chiếc túi xách với thiết kế riêng.
"Các công đoạn để làm hoàn thành chiếc túi xách hoàn toàn là thủ công, từ sơ chế vỏ mì, se, đan, chỉ có ruột là may bằng máy còn toàn bộ khâu tay, quá trình kết là 100% khâu tay. Ban đầu ý tưởng mình làm ra mang tính chất giáo dục, để hướng dẫn các em học sinh biết tái sử dụng rác, nâng ý thức bảo vệ môi trường. Sau đó tôi muốn ứng dụng vào thực tế", anh Toàn cho hay.
Ảnh: Danviet
Ngoài túi xách gây được tiếng vang lớn, anh Toàn tiếp tục cho ra đời những chiếc hộp với nhiều kiểu dáng, kích thước, màu sắc cũng làm từ vỏ mì gói. Thầy Toàn cho biết, nguyên liệu để làm hộp đựng quà cũng là vỏ bao mì gói đã sử dụng với cách làm tương tự như túi xách, riêng về hoa văn trang trí, màu sắc thì dùng màu để vẽ lên. Để có một chiếc hộp phải mất một ngày và khoảng 100 vỏ bao mì gói.
Theo anh Toàn, vỏ mì gói này nếu bỏ vào môi trường nó rất khó phân hủy. Khi chọn chất liệu này, ngoài ưu điểm tái sử dụng rác, thì nó lại có màu sắc sẵn, anh không cần phải phun sơn hay nhuộm màu. Anh mong muốn mang sản phẩm ra thị trường, tạo công ăn việc làm cho người không có việc làm ổn định, kiếm thêm thu nhập ngoài giờ.
Ảnh: Vietnamnet
Ngày 26/8/2018, bộ sưu tập 44 chiếc túi xách của thầy Lê Quốc Toàn đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục "Người thực hiện bộ sưu tập túi xách tái chế từ bao mì gói đầu tiên và nhiều nhất".