Như Loan ·
3 năm trước
 3452

UNESCO cam kết hỗ trợ các giải pháp về bảo tồn rừng ngập mặn

Trong tương lai, rừng ngập mặn là cứu cánh của con người trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, khi mực nước biển dâng cao.

Bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) vừa cho biết, thế giới đang ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng của rừng ngập mặn, sự cần thiết của mọi người trong việc hỗ trợ khôi phục và bảo vệ những môi trường sống quan trọng này.

Tầm quan trọng của rừng ngập mặn đối với môi trường sinh thái đã được các nhà khoa học khẳng định từ lâu. Đặc biệt trong tương lai, rừng ngập mặn còn là cứu cánh của con người trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, khi mực nước biển dâng cao.

bảo tồn rừng ngập mặn

Rừng ngập mặn ven biển được xem như lá phổi xanh bảo vệ cư dân và hệ sinh thái đất ngập nước. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Trên toàn cầu, rừng ngập mặn bao phủ bề mặt 14,8 triệu ha. Mặc dù mang lại nhiều lợi ích nhưng theo ước tính của UNESCO, một số quốc gia đã mất hơn 40% diện tích rừng ngập mặn từ năm 1980 - 2005, chủ yếu là do sự phát triển ven biển.

Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra khảo sát của Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình cho thấy, khu vực ĐBSCL có diện tích có rừng ngập mặn là 73.372,04 ha, chiếm 50,5% diện tích rừng ngập mặn cả nước.

Tuy nhiên, dưới tác động của biến đổi khí hậu và con người, diện tích rừng ngập mặn tại khu vực này bị suy giảm nghiêm trọng. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong giai đoạn từ 2011 – 2016, diện tích rừng ngập mặn toàn vùng đã giảm gần 10%, từ 194.723 ha năm 2011 xuống còn 179.384 ha vào năm 2016 (giảm khoảng 15.339 ha).

Cũng theo báo cáo trên, toàn vùng ĐBSCL có 24 khu vực thường xuyên bị xói lở trên tổng chiều dài khoảng 147 km. Tốc độ xói lở từ 5 – 45 m/năm (trung bình mỗi năm mất khoảng 500 ha đất).

Theo bà Azoulay, sức khỏe con người luôn phụ thuộc vào sức khỏe của hành tinh, trong đó, tầm quan trọng của các hệ thống rừng ngập mặn ngày càng rõ ràng. Bà cho rằng, thế giới hiện đang nhận thức rõ tầm quan trọng của rừng ngập mặn và các hệ sinh thái carbon xanh khác, bao gồm đầm lầy muối, thảm cỏ biển và đất ngập nước ven biển.

Hiện nay, UNESCO đang cố gắng bảo tồn rừng ngập mặn thông qua công việc của tổ chức liên quan đến các Công viên Địa chất toàn cầu và Di sản thế giới. Trong đó, riêng Di sản thế giới bao trùm hơn 10% tổng số các khu vực biển được bảo vệ trên toàn cầu, tương đương 200 triệu ha.

Hơn 700 địa điểm ở 129 quốc gia đóng vai trò quan trọng trong Mạng lưới Dự trữ sinh quyển thế giới của UNESCO. Mạng lưới này tròn 50 năm thành lập vào năm nay khi Liên Hợp Quốc khởi động Thập kỷ Phục hồi Hệ sinh thái.

Do đó, sáng kiến ​​của UNESCO về Khu dự trữ sinh quyển, kết hợp giữa bảo tồn đa dạng sinh học với sử dụng bền vững là một sáng kiến độc đáo về bảo tồn rừng ngập mặn.

"Trong những lĩnh vực này, UNESCO cam kết thực hiện các giải pháp dựa trên khoa học với sự phối hợp của các cộng đồng địa phương và bản địa, để hỗ trợ khả năng của nhân loại trong việc ứng phó với sự thay đổi sinh thái - xã hội”, bà Azoulay nhận định.

Liên Hợp Quốc kêu gọi các quốc gia chung tay bảo vệ hệ sinh thái

Với chủ đề “Phục hồi Hệ sinh thái - Ecosystem Restoration", Ngày Môi trường thế giới năm 2021 được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc lựa chọn nhằm truyền tải thông điệp về sự tập hợp, đoàn kết nhằm bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới, vì lợi ích của con người và thiên nhiên.

Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với 3 mối đe dọa về môi trường, bao gồm mất đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và ô nhiễm gia tăng. Vì vậy, trước thềm Ngày Môi trường thế giới 5/6, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi huy động "nỗ lực chưa từng có để chữa lành Trái Đất".

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc nhận định: "Thập kỷ phục hồi là một lời kêu gọi hành động toàn cầu, sẽ thu hút sự hỗ trợ chính trị, nghiên cứu khoa học và nguồn lực tài chính". Ông cho rằng, 10 năm tới là "cơ hội cuối cùng" để con người có thể ngăn chặn thảm họa khí hậu, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm gây chết người và chấm dứt sự mất mát các loài động, thực vật.

Nguồn