Tạ Nhị ·
1 năm trước
 4658

UNESCO vinh danh Nghệ thuật Xòe Thái là di sản nhân loại

Nghệ thuật Xoè Thái là di sản thứ 14 của Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm tự hào của dân tộc Thái và của cả cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Nghệ thuật Xòe Thái ghi danh vào Di sản văn hóa phi vật thể

Tối 24/9, tại sân vận động Thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái), Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái và các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La trang trọng tổ chức Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trong không khí hân hoan của buổi lễ, đại diện cho UNESCO, Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đã trao bằng của UNESCO công nhận Nghệ thuật Xòe Thái là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho đại diện Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và lãnh đạo UBND các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên.

Đại diện Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và lãnh đạo UBND các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên đón nhận bằng của UNESCO công nhận Nghệ thuật Xòe Thái là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.  (Ảnh: Nhật Bắc/Báo Chính Phủ)

Sự kiện này có ý nghĩa rất lớn đối với đồng bào Thái Việt Nam nói riêng và văn hoá truyền thống Việt Nam nói chung bởi Nghệ thuật Xòe Thái là hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần, được hình thành và phát triển cùng với cộng đồng người Thái. Thông qua đó phản ánh sự đa dạng văn hóa, mang thông điệp về sự cởi mở, thân thiện, đoàn kết; là sợi dây gắn kết cộng đồng - cốt lõi của bản sắc văn hóa dân tộc Thái ở khu vực Tây Bắc.

Trước đó, ngày 15/12/2021, tại phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ Di sản Văn hoá phi vật thể lần thứ 16 của UNESCO diễn ra tại Thủ đô Paris (Pháp), Di sản Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã chứng minh sức sống mãnh liệt, vị trí đặc biệt quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể này của không chỉ đồng bào người Thái, mà còn của chung cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong dòng chảy văn hóa đất nước, tăng thêm niềm tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc Thái và phát huy tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc ở Việt Nam.

Phát huy bền vững tinh hoa dân tộc

Tính đến nay, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã ghi danh 14 di sản văn hoá phi vật thể của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, bao gồm: Nhã nhạc - Nhạc Cung đình Triều Nguyễn; Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên; Dân ca Quan họ Bắc Ninh; Hát Ca Trù;  Hội Gióng ở Đền Phù Đổng và Đền Sóc; Hát Xoan Phú Thọ; Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ; Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; Dân ca Ví, Dặm ở Nghệ Tĩnh; Nghi lễ và trò chơi Kéo co; Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt; Nghệ thuật Bài Chòi ở Trung Bộ; Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái và mới đây nhất là Nghệ thuật Xoè Thái.

Tiết mục Nghệ thuật Xòe Thái do các ca sĩ, vũ công, đặc biệt là các nghệ nhân dân gian tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái hát được biểu diễn trong chương trình tối 24/9 tại SVĐ thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Nhật Bắc/Báo Chính Phủ)

Cũng trong dịp đặc biệt này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng các cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên về niềm vinh dự, tự hào khi Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, Xoè Thái là di sản thứ 14 của Việt Nam được UNESCO ghi danh là niềm tự hào của dân tộc Thái và của cả cộng đồng 54 dân tộc anh em trên “Dải đất hình chữ S” tươi đẹp.

Do đó, tôn vinh Nghệ thuật Xòe Thái là tôn vinh những giá trị cao đẹp của văn hóa nghệ thuật, của tinh thần đoàn kết, của lòng nhân ái, của tinh thần lạc quan, của tư duy bảo tồn và phát triển; của nét sống hòa hợp với thiên nhiên, của tinh thần trách nhiệm lịch sử không chỉ của các dân tộc Tây Bắc mà của tất cả những người dân Việt Nam. Lời ca: “Không xòe không vui. Không xòe cây ngô không ra bắp. Không xòe cây lúa không trổ bông. Không xòe trai gái không thành đôi” ngân vang giữa rừng hoa Ban, hoa Mận, hoa Đào vùng Tây Bắc, bên dòng sông Mã, sông Chảy, Mường Hung đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong những ngày vui của mỗi gia đình hay những ngày lễ lớn của bản làng, của dân tộc...

Thủ tướng cũng khẳng định, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực, nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn xác định phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa có ý nghĩa đặc biệt, góp phần phát triển, làm gia tăng giá trị du lịch và trách nhiệm với văn hóa của nhân loại, qua đó gìn giữ truyền thống lịch sử, vun đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, góp phần củng cố khối Đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để tiếp tục tạo sức sống mới, sự lan tỏa và truyền cảm hứng mạnh mẽ giá trị của nghệ thuật Xòe Thái, Thủ tướng đề nghị chính quyền, nhân dân và cộng đồng người Thái ở các tỉnh Tây Bắc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp triển khai nghiêm túc, hiệu quả “Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Xòe Thái” theo đúng cam kết với UNESCO.

Qua các di sản vật thể, phi vật thể lẫn tư liệu mà UNESCO vinh danh, cơ hội để chúng ta giới thiệu về bản sắc văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam với cộng đồng quốc tế rất lớn, rất sâu sắc. Do đó, trách nhiệm của chúng ta, của thế hệ hôm nay với các di sản mà UNESCO vinh danh là rất lớn, bởi các DSVH ấy không chỉ là của đất nước, dân tộc Việt Nam mà của thế giới, của nhân loại.