Bùi Hằng ·
2 năm trước
 6872

Ứng dụng Blockchain trong quản lý tài chính và sản xuất ngành nông nghiệp

Giúp cho người nông dân giảm thiểu rủi ro khi đầu tư nông nghiệp, GS.TS Nguyễn Duy Luận đề xuất đưa ứng dụng Blockchaine vào đăng ký bảo hiểm cây trồng và quản lý lịch sử tín dụng.

Hiện nay, hệ sinh thái nông nghiệp đang chuyển dịch từ nông nghiệp truyền thống sang xu thế nông nghiệp thông minh. Bên cạnh yêu cầu ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất thì chuyển đổi số được kỳ vọng cũng sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn trong quản lý tài chính nông nghiệp, nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Ứng dụng Blockchain trong quản lý tài chính và sản xuất ngành nông nghiệp - Ảnh 1

Phân tích những thách thức trong quản lý tài chính và bảo hiểm mà nền nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt, đồng thời gợi mở các giải pháp khắc phục bằng công nghệ, GS.TS Nguyễn Duy Luận, Giám đốc điều hành và Chủ tịch Tập đoàn Uzip, giảng viên Đại học Texas, Hoa Kỳ đã có những chia sẻ tại hội thảo quốc tế chiều 12/12 về nông nghiệp thông minh tại Việt Nam.

Những thách thức chủ yếu về quản lý tài chính nông nghiệp hiện nay là sự thiếu minh bạch về lịch sử tín dụng và khó khăn trong quá trình thực thi hợp đồng. Đây là một trong vô số vấn đề mà các tổ chức tài chính và các hộ nông dân nhỏ đang phải đối mặt, GS.TS Nguyễn Duy Luận cho biết.

Ứng dụng Blockchain trong quản lý tài chính và sản xuất ngành nông nghiệp - Ảnh 2
GS.TS Nguyễn Duy Luận, Giám đốc điều hành, Chủ tịch Tập đoàn Uzip.

“Việc không có khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính có thể có tác động tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của chuỗi giá trị nông nghiệp. Người sản xuất không thể tối đa hóa sản lượng và người mua phải đối mặt với những khó khăn trong việc tìm được nguồn cung cấp hàng hóa hiệu quả. Các dịch vụ tài chính không chỉ tạo điều kiện cho hộ nông dân nhỏ đầu tư vào nông nghiệp mà còn giúp họ giảm bớt khó khăn về thanh khoản”.

Giải pháp mà Chủ tịch tập đoàn Uzip đưa ra là ứng dụng sổ lớn dữ liệu Blockchain vào quản lý sản xuất, đảm bảo tính công bằng, minh bạch.

Các bên liên quan cần chia sẻ thông tin ở mỗi bước sản xuất. Mỗi khi giao dịch diễn ra, thông tin thích hợp được lưu trữ trong Blockchain, cho phép tất cả các bên liên quan truy cập mọi giao dịch một cách minh bạch, ông Luận nói.

Blockchain đóng vai trò như một nguồn xác minh cho các giao dịch được ghi lại. Kiểm toán viên có thể xác minh các giao dịch trực tiếp và hiệu quả thông qua sổ cái này, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.

GS.TS Luận phân tích: “Thay vì thực hiện các cuộc đánh giá vào cuối năm, các công ty kiểm toán sẽ tiến hành các cuộc kiểm toán trong suốt cả năm. Blockchain cũng có thể thay thế việc kiểm tra ngẫu nhiên bởi các kiểm toán viên, làm cho việc truy cập vào từng giao dịch đơn lẻ trở nên hiệu quả hơn”.

Để giảm thiểu rủi ro cho người nông dân khi đầu tư nông nghiệp, ông Luận đề xuất đưa ứng dụng Blockchaine vào đăng ký bảo hiểm cây trồng.

Vị giảng viên của Đại học Texas phân tích, trong trường hợp người nông dân bị thiệt hại do thời tiết khủng hoảng, họ có thể nhanh chóng đăng ký số tiền yêu cầu bảo hiểm cây trồng thông qua giải pháp hỗ trợ Blockchain.

Hoạt động minh bạch và bất biến của Blockchain sẽ cho phép các công ty bảo hiểm và các bên được ủy quyền khác dễ dàng truy cập vào dữ liệu do trạm thời tiết thông minh thu thập và đưa ra quyết định yêu cầu bồi thường nhanh chóng.

(Ảnh trích xuất hội thảo)

“Sau khi yêu cầu bảo hiểm được chấp thuận, nông dân sẽ tự động nhận được số tiền trong ví tương ứng của họ. Giải pháp hỗ trợ chuỗi khối sẽ giúp nông dân nhận được tiền bồi thường một cách liền mạch và nhanh chóng”, ông Luận nói.

Đối với những thách thức trong chuỗi cung ứng thực phẩm, GS.TS Luận cho rằng, các nhà sản xuất và bán lẻ thực phẩm đang gặp khó khăn trong việc xác nhận nguồn gốc và xuất xứ của các sản phẩm.

Sự xuất hiện của sổ cái kỹ thuật số Blockchain có thể mang lại niềm tin và sự minh bạch trong hệ sinh thái chuỗi cung ứng, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Cần nhiều hơn sự tham gia của doanh nghiệp trong chuyển đổi số nông nghiệp

Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ tại hội thảo, nông nghiệp Việt Nam đã và đang có những đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế nhưng còn bộc lộ nhiều hạn chế.

Tăng trưởng chưa bền vững, chưa sử dụng nhiều ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo, khâu chế biến, sản xuất còn nhiều điểm yếu, thị trường chưa ổn định... là những điểm hạn chế mà ông Huy liệt kê.

Ứng dụng Blockchain trong quản lý tài chính và sản xuất ngành nông nghiệp - Ảnh 4
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC).

“Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đưa ra quan điểm cần có cách tiếp cận mở, sáng tạo, tạo điều kiện đổi mới cho tất cả ngành/lĩnh vực, ưu tiên các ngành có mức độ sáng tạo cao trong đó có nông nghiệp số số”.

Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cũng cho biết, cơ quan này đã và đang triển khai các chương trình hoạt động thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, trong đó tập trung vào các doanh nghiệp, đặc biệt là cộng đồng hơn 800.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đồng tình với ý kiến của ông Vũ Quốc Huy, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP.HCM cũng khẳng định cần có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp vào đề án “Chuyển đổi số phục vụ kinh tế tuần hoàn nông nghiệp”.

Đề án hướng tới mục tiêu xây dựng hệ thống thông tin nông nghiệp và chuyển đổi số nhằm phát triển mô hình nông nghiệp tuần hoàn, hướng tới sử dụng hiệu quả tài nguyên, phát triển kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường và góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ứng dụng Blockchain trong quản lý tài chính và sản xuất ngành nông nghiệp - Ảnh 5
(Ảnh trích xuất hội thảo)

PGS.TS Quân cho rằng, để thực hiện được mục tiêu này, bên cạnh sự vai trò của Chính phủ, sự tham gia của giới nghiên cứu khoa học và cộng đồng thì không thể thiếu sự vào cuộc quyết liệt hơn của các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp sẽ là những người đặt hàng các sản phẩm ứng dụng công nghệ nông nghiệp theo nhu cầu thị trường; Xây dựng và triển khai các nền tảng công nghệ cho các hệ thống thông tin nông nghiệp, các mô hình kinh doanh dịch vụ nông nghiệp.

Ông Quân cho hay: "Doanh nghiệp cần có những chương trình thúc đẩy phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, huy động sự tham gia của xã hội vào chuỗi giá trị sản phẩm bằng việc ứng dụng các giải pháp thúc đẩy mô hình công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp tuần hoàn".

Nguồn