Lan Anh ·
3 năm trước
 3327

Ứng phó với 'mùa sạt lở 2021' tại ĐBSCL

Hiện tượng sạt lở xảy ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng đã và đang đe dọa trực tiếp đến đời sống sản xuất của người dân tại ĐBSCL. Vì vậy, với mục tiêu phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, cần giải pháp hiệu quả để sạt lở đất không còn là nỗi ám ảnh.

Sạt lở diễn ra tại nhiều địa phương

Những năm gần đây, tình trạng sạt lở ở khu vực ĐBSCL xảy ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến đời sống của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội...

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, chỉ trong tuần đầu tháng 6/2021, toàn tỉnh đã xảy ra 39 vụ sạt lở đất ven sông, ven biển, làm hư hỏng gần 200 m đường bê tông, 22 căn nhà bị thiệt hại, gây ảnh hưởng đến hoạt động của 3 trại tôm giống... Tại đê biển Tây đoạn qua huyện Trần Văn Thời và U Minh cũng xảy ra 3 vụ sạt lở nghiêm trọng, với tổng chiều dài khoảng 1.700 m, gây nguy cơ vỡ đê. Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, thiên tai và biến đổi khí hậu khiến 3 mặt biển tại địa phương thường xuyên xuất hiện sóng lớn đánh thẳng vào bờ, gây sạt lở đê biển.

Hiện đã vào mùa mưa bão nên đường bờ biển của tỉnh Cà Mau cũng đang chịu tác động tiêu cực. Trong đó, phía bờ Bắc vàm Lũng Ranh (xã Khánh Tiến, huyện U Minh) có 1 đoạn kè rọ đá bảo vệ đê biển Tây bị sóng biển đánh hư hỏng, với chiều dài khoảng 100 m. Mưa lớn kéo dài nhiều ngày cũng làm ngập diện rộng, có gần 2.300 ha lúa của người dân mới xuống giống bị thiệt hại.

tình trạng sạt lở lại đbscl

An Giang là địa phương ở ĐBSCL thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống người dân, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 12 điểm sạt lở, sụt lún, rạn nứt đất bờ sông, kênh rạch, với chiều dài gần 800m, chủ yếu ở 2 huyện An Phú và Chợ Mới.

Trong đó, đoạn sông Ông Chưởng chảy qua địa phận huyện Chợ Mới thời gian gần đây liên tục xảy ra tình trạng sụt lún đất, sạt lở, khiến hàng chục căn nhà có nguy cơ bị rơi xuống sông. Cụ thể, ngày 20/5, tại khu vực này, đoạn qua ấp Long Hòa, xã Long Điền B đã xảy ra vụ sụt lún đất bờ sông, ăn sâu vào mặt đường khoảng 4 m, với chiều dài hơn 40 m, có nguy cơ lan rộng. Tiếp đó, ngày 2/6, nơi đây lại xảy ra vụ sạt lở đất bờ sông đoạn qua tổ 17, ấp Long Định, xã Long Kiến, với chiều dài hơn 20m kéo theo một căn nhà dân bị sụt lún.

Tuyến tỉnh lộ 946 phía bờ sông Ông Chưởng tiếp tục xảy ra tình trạng sụt lún, với nhiều vết nứt từ 0,2-0,5 m, chiều dài hơn 60 m. Khu vực này hiện có nhiều căn nhà của người dân đã xuất hiện vết nứt trước cửa, trên tường và vách, có nguy cơ sạt lở toàn bộ xuống sông. Kết quả quan trắc cho thấy, đoạn sụt lún nằm trong khu vực cảnh báo sạt lở cấp độ nguy hiểm.

Theo đánh giá của ngành chức năng địa phương, nguyên nhân là do ảnh hưởng dòng chảy của đoạn sông cong, dòng chảy áp sát bờ, tạo thành lạch sâu, kết hợp tải trọng trên đường bờ lớn và hàm ếch gây sạt lở. Trước thực trạng này, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã quyết định ban bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông Ông Chưởng, dọc tỉnh lộ 946, với chiều dài hơn 40 m, thuộc xã Long Điền B, huyện Chợ Mới. Đồng thời giao Sở TN&MT khoanh vùng khu vực có nguy cơ sạt lở, cắm biển báo phạm vi sạt lở, thiết lập hành lang an toàn, theo dõi diễn biến sạt lở. 

Còn tại các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng, tình hình sạt lở bờ sông cũng diễn ra rất phức tạp. Chính quyền địa phương mất nhiều kinh phí để sửa chữa, khắc phục, nối tạm các tuyến giao thông nhưng có nơi chỉ được một thời gian, sông lại "nuốt" đường "nuốt" đất. Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Vĩnh Long, hàng năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra khoảng 200 tuyến (điểm) sạt lở, làm mất 5-6 km bờ sông, kênh, rạch, thiệt hại gần chục tỉ đồng. Trong 4 tháng đầu năm nay có 9 điểm sạt lở, dài 639 m, ước thiệt hại hơn 1 tỉ đồng.

Tích cực triển khai nhiều giải pháp ứng phó

Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, từ năm 2018 đến nay, cơ quan này đã cùng các bộ, ngành trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội hỗ trợ các tỉnh vùng ĐBSCL hơn 6.622 tỉ đồng từ ngân sách trung ương để xử lý sạt lở bờ sông, đê biển. Cùng với nỗ lực của Chính phủ, các tỉnh trong vùng đang triển khai nhiều biện pháp chủ động phòng, chống sạt lở, trong đó chú trọng giải pháp công trình, nhiều dự án đã đang và sắp triển khai thực hiện.

Theo đó, TP.Cần Thơ đã gia cố hơn 3 km kè chống sạt lở bằng các giải pháp truyền thống; xây dựng 10 công trình kè với chiều dài gần 18,5 km, kinh phí 2.639 tỉ đồng. Có 8 công trình kè đang triển khai dài 21,12 km, kinh phí 2.345 tỉ đồng; 6 công trình kè đang trong giai đoạn lập dự án đầu tư, dài 5,7 km, kinh phí 681,6 tỉ đồng.

Tại tỉnh Vĩnh Long cũng đã xây được 20 tuyến kè chống sạt lở kiên cố dài 14,6 km tập trung ở các đô thị. Đáng kể nhất là tuyến kè chống sạt lở bờ sông Cổ Chiên gần 12 km. Ngoài ra, tỉnh này đang chuẩn bị thực hiện tiếp các dự án kè chống sạt lở khác. Lãnh đạo tỉnh An Giang cũng đã kiến nghị các bộ, ngành trung ương nghiên cứu đánh giá tổng quan về tình hình địa chất, thủy văn, chế độ dòng chảy khu vực ĐBSCL để có cơ sở khoa học đưa ra cảnh báo cũng như đề xuất giải pháp phòng, tránh nhằm giảm hậu quả do sạt lở đất.

Những năm gần đây, các tỉnh ĐBSCL liên tiếp xảy ra sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của toàn vùng. Vì vậy, trong Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, chống sạt lở là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các địa phương.

Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 120 mới đây, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ đang cập nhật và hệ thống hóa số liệu về sạt lở bờ sông, bờ biển, trong đó đang tổ chức thực hiện việc điều tra đánh giá hiện trạng và khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển trong vùng. Bộ cũng đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng hỗ trợ 2.000 tỉ đồng từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới hỗ trợ các tỉnh ĐBSCL xử lý cấp bách các khu vực sạt lở.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng đang đề xuất Chính phủ điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách vay vốn ưu đãi làm nhà ở cho người dân tại vùng ngập lũ thường xuyên và vùng sạt lở nguy hiểm thuộc các tỉnh: An Giang, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ từ nay đến năm 2025 được vay vốn xây dựng nhà ở tại các cụm tuyến dân cư mới, với mức vay tối đa là 40 triệu đồng/hộ, lãi suất 3%/năm. Thời hạn vay tối đa 15 năm đối với các hộ nghèo và cận nghèo, 10 năm đối với các hộ khác…

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, năm qua bão đổ bộ dồn dập, sóng biển dữ dội trong các cơn bão kết hợp triều cường, mưa lũ lớn trong khi hệ thống đê, kè ven biển chưa đủ khả năng chống chịu, nhiều tuyến chưa được đầu tư xây dựng nên đã gây sạt lở nghiêm trọng, đã có 88 điểm bị sạt lở với tổng chiều dài 141 km. Ngoài ra, hàng trăm km đê, kè cửa sông cũng bị sạt lở, hư hỏng.

Trao đổi với báo chí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư nhận định, sạt lở bờ sông không chỉ là hậu quả của thiên tai mà còn do con người gây ra. Các yếu tố tự nhiên là do thời tiết bất thường, biến đổi khí hậu và việc xây các đập thủy điện, nắn dòng chảy khiến đồng bằng đói phù sa. Bên cạnh đó, tình trạng dân cư phát triển nhanh, mật độ xây dựng nhà ở, công trình kho bãi, nhà máy nhiều dẫn đến khai thác cát sông quá mức. Các công trình giao thông gần bờ sông cũng làm tăng thêm trọng lượng tác động lên bờ sông dẫn đến mất cân bằng và gây trượt bờ sông. 

Nguồn