Thanh Loan ·
2 năm trước
 3111

Vắc-xin Covid-19: Người lớn tuổi và bị cao huyết áp có thể tiêm vắc-xin không?

Đối với trường hợp người lớn tuổi và mắc bệnh nền như cao huyết áp thì có được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 không? Nếu có thì cần phải lưu ý những gì?

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, người trên 65 tuổi vẫn nên đăng ký tiêm chủng vaccine Covid-19. Tuy nhiên, những trường hợp này lưu ý, khi đăng ký tiêm chủng trực tuyến cần điền thông tin cụ thể vào cột (trên 65 tuổi) trong phiếu. Căn cứ vào tình hình sức khoẻ của những người này, bác sĩ sẽ quyết định việc họ được tiêm hay không.

"Nếu người trên 65 tuổi sau khi được khám lâm sàng mà sức khoẻ của họ hoàn toàn bình thường thì có thể chỉ định tiêm ở bệnh viện. Do đó, người dân cần điền đầy đủ thông tin trên phiếu đăng ký tiêm chủng" - bà Nhị Hà lưu ý.

tiêm vaccine covid-19

BS. Bùi Văn Thường - Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, bệnh nhân tăng huyết áp cũng như các bệnh nhân mắc các bệnh tim mạch mạn tính khác có nguy cơ xuất hiện các biến chứng nặng thậm chí tử vong cao hơn khi mắc Covid 19, vì vậy đây là nhóm đối tượng cần được ưu tiên tiêm chủng sớm để ngăn ngừa xuất hiện các biến cố nặng đó.

BS. Thường cũng lưu ý, trong thời gian tiêm chủng (trước và sau tiêm) vẫn tiếp tục duy trì thuốc huyết áp, không được dừng thuốc.

Ngoài ra, theo Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19vừa được Bộ Y tế ban hành ngày 15/7, áp dụng trên toàn quốc, người có bệnh mãn tính đang tiến triển; người đang bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, đã cắt lách, đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, corticoid liều cao (tương đương hoặc hơn 2mg prednisolon/kg/ngày trong ít nhất 7 ngày); người mắc bệnh cấp tính... thì thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng.

Người trên 65 tuổi, người có tiền sử bệnh nền, bệnh mạn tính được điều trị ổn định; Tiền sử rối loạn đông máu/cầm máu hoặc đang dùng thuốc chống đông thì phải chuyển tiêm chủng và theo dõi tại bệnh viện.

Nguồn