Mỹ Linh ·
2 năm trước
 2813

Vaccine Covid-19: Doanh nghiệp tham gia nhập khẩu bằng cách nào?

Ngày 3/6/2021, trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, có 2 cách để các doanh nghiệp (DN) tham gia việc mua vaccine phòng COVID-19. Đó là đóng góp tiền cho Quỹ vaccine phòng COVID-19 hoặc DN trực tiếp nhập khẩu vaccine từ nguồn tin cậy.

Theo Thứ trưởng Trương Quốc Cường, để có nguồn vaccine nhanh nhất, Chính phủ đã có chủ trương khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho các DN, tập đoàn, các địa phương tham gia nhập khẩu vaccine phòng COVID-19.

Theo ông Trương Quốc Cường, có 2 cách tham gia: Một là huy động tiền đóng góp cho Quỹ vaccine, hai là trực tiếp nhập khẩu vaccine từ nguồn rất tin cậy.

thứ trưởng bộ y tế trương quốc cường

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, khi làm thủ tục nhập khẩu vaccine vào Việt Nam, các đơn vị khẩn trương gửi hồ sơ chất lượng theo quy định, bao gồm: Giấy chứng nhận xuất xưởng của cơ sở sản xuất hoặc Giấy chứng nhận chất lượng của cơ quan quản lý để Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận xuất xưởng trong vòng 48 giờ theo khuyến cáo của WHO, để bảo đảm chất lượng, tránh việc nhập khẩu vaccine không rõ nguồn gốc.

Trường hợp các DN, tổ chức chưa có kinh nghiệm, chưa có đủ điều kiện nhập khẩu vaccine theo quy định, đề nghị liên hệ với các đơn vị đủ điều kiện nhập khẩu vaccine để phối hợp thực hiện.

Đối với các đơn vị không có khả năng tiêm chủng, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo các đơn vị trong ngành y tế tổ chức tiêm chủng cho người dân.

Về kiểm soát chất lượng, Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin: Vaccine lần này nhập khẩu trong tình trạng khẩn cấp nên có một số đặc thù. Chất lượng vaccine được nhà sản xuất đảm bảo nhưng những hiệu quả hay phản ứng vẫn cần tiếp tục theo dõi, không giống như một số loại vaccine đã sử dụng từ lâu. Cùng với đó, việc bảo quản vaccine trong điều kiện rất ngặt nghèo.

"Vì nhập vaccine trong điều kiện khẩn cấp nên một số nội dung chưa kiểm định được. Chúng ta phải chấp nhận vaccine do WHO đã cấp chứng nhân hoặc do Cục quản lý dược - Bộ Y tế của một số nước cấp, chấp nhận một số điều kiện không kiểm định được", ông Trương Quốc Cường nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, cách kiểm soát tốt nhất là trực tiếp mua của các nhà sản xuất mà không thông qua các công ty trung gian. Nếu doanh nghiệp mua qua đơn vị ủy quyền chính thức của nhà sản xuất thì phải có văn bản xác nhận, để Bộ Y tế kiểm tra.  

Thông tin về tiến độ tiêm vaccine ở Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết theo nghị quyết của Bộ Chính trị và nghị quyết của Chính phủ, Bộ Y tế được giao nhiệm vụ nhập khẩu 150 triệu liều vacicne để tiêm 70% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Bộ Y tế được giao nhiệm vụ nhập khẩu 150 triệu liều vacicne để tiêm 70% dân số từ 18 tuổi trở lên

Về cơ bản, đến nay, Việt Nam đã tiếp cận được đủ số lượng vaccine này. Tuy nhiên, khi nhập khẩu, Việt Nam phải ký cam kết với nhà sản xuất, trong đó có thỏa thuận chấp nhận trường hợp nhà sản xuất giao hàng không đúng tiến độ.

Sở dĩ có thỏa thuận này vì Việt Nam được xếp vào một trong những quốc gia đang kiểm soát tốt dịch bệnh, do vậy có trường hợp vaccine đang chuyển về Việt Nam nhưng lại bị chuyển sang nước khác tình trạng dịch bệnh cấp bách hơn. Tiến độ cung ứng vaccine hiện nay hoàn toàn bị phụ thuộc vào nhà sản xuất bởi cung chưa đủ cầu”, Thứ trưởng Bộ Y tế lý giải.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, từ tháng 8 tới, các nguồn vaccine Việt Nam đã đặt mua sẽ về đều.

Theo đó, Pfizer cam kết chuyển 15,5 triệu liều trong quý III/2021 và một số lượng tương đương trong quý IV. AstraZeneca và Covax cũng cam kết cung cấp khoảng 30 triệu liều. Và mới đây nhât, phía Nga cũng cam kết dành cho Việt Nam 20 triệu liều vaccine Sputnik.

"Tổng số vaccine Việt Nam đặt hàng là khoảng 170 triệu liều nhưng chúng ta cũng lường trước việc giao hàng không đúng tiến độ, không đầy đủ vì đó là cam kết chúng ta đã ký với các nhà sản xuất", Thứ trưởng Bộ Y tế nói thêm.

Nguồn: