Các "ông lớn" siêu thị đồng loạt đưa vải thiều lên kệ
Hiện nay, nhiều hệ thống siêu thị bán lẻ lớn như Co.opmart, Big C, VinMart, Aeon… đã và đang tiến hành đưa trái vải lên kệ để phục vụ người tiêu dùng khi "thủ phủ" vải thiều tại các tỉnh phía Bắc đang vào mùa.
Mới đây, ngày 22/5, siêu thị Saigon Co.op cho biết, 50 tấn trái vải tươi đầu tiên đã bắt đầu được đưa lên kệ bán phục vụ khách hàng của hệ thống siêu thị Co.opmart ở khu vực phía Bắc. Theo đó, trong thời gian tới, các siêu thị Co.opmart và Co.opXtra cũng sẽ tràn ngập mặt hàng này với giá tốt.
Ông Nguyễn Anh Đức – Tổng Giám đốc Saigon Co.op thông tin: “Dù năm nay dịch diễn biến phức tạp nhưng Saigon Co.op đã sớm có phương án phối hợp thu mua, vận chuyển và phân phối trái vải để chủ động hỗ trợ đầu ra cho nông dân, cũng như kịp thời phục vụ nhu cầu thưởng thức loại trái cây đặc sản này cho khách hàng cả nước”.
Vải thiều ở siêu thị có giá từ 21.900 - 40.500 đồng/kg
Trong khi đó, đại diện Central Retail Việt Nam - đơn vị quản lý loạt hệ thống siêu thị Big C, Go!, Tops Market tiết lộ, năm nay sẽ thu mua khoảng 1.000 tấn vải thiều để phân phối tại các hệ thống siêu thị. Ngoài thu mua vải thiều qua thương lái, đơn vị này còn làm việc trực tiếp với nông dân để thu mua với mức giá hỗ trợ.
Cùng với việc bán vải thiều trực tiếp với mức giá ưu đãi, các siêu thị của Central Retail Việt Nam cũng tăng cường bán qua điện thoại cùng với các mặt hàng khác và giao hàng tận nơi miễn phí cho khách hàng có hóa đơn mua hàng từ 200.000 đồng, giao hàng trong bán kính 10 km.
Bên cạnh đó, đại diện siêu thị LOTTE Mart, Aeon cũng thông tin, bộ phận thu mua của siêu thị đang tham gia các hoạt động xúc tiến, kết nối để thu mua vải thiều của hai tỉnh Bắc Giang, Hải Dương. Dự kiến từ giữa tháng 6, vải thiều đặc sản từ các tỉnh phía Bắc sẽ được giới thiệu đến khách hàng miền Nam. Tổng sản lượng tiêu thụ ước tính gấp 1,5-2 lần các mùa vụ trước.
Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Phương - Phó Tổng Giám đốc Vincommerce cho biết, dự kiến vải thiều sẽ có trên kệ hệ thống siêu thị VinMart, VinMart+ vào cuối tháng 5 này. Để chuẩn bị cho mùa kinh doanh vải thiều năm nay, phía doanh nghiệp đã đến từng vùng trồng để kiểm soát chất lượng trái vải trước khi nhập vào hệ thống. Việc này không chỉ giúp tiêu thụ tốt vải thiều mà còn quảng bá cho thương hiệu của quả vải thiều Việt Nam.
Được biết, trong nhiều năm qua, vải thiều luôn là nhóm sản phẩm có doanh thu cao tại hệ thống bán lẻ của Vincommerce, điển hình năm 2020 Vincommerce đã thu mua hơn 200 tấn vải thiều, trong đó nhóm sản phẩm có doanh thu cao nhất vẫn là vải thiều Thanh Hà.
Nỗ lực vượt dịch để xuất khẩu
Từ đầu năm đến nay, huyện Lục Ngạn - thủ phủ trồng vải thiều của Bắc Giang với 15.400 ha trồng vải và sản lượng khoảng 120.000 tấn, phải liên tục thay đổi kịch bản tiêu thụ vải thiều để phù hợp với tình hình dịch Covid-19.
Theo ông Nguyễn Thế Thi - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: "Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khả năng sản lượng xuất khẩu giảm nên chúng tôi phải điều chỉnh kế hoạch, tăng cường thêm chế biến và tiêu thụ trong nước”. Theo kịch bản mới nhất được huyện ban hành (ngày 13/5), vải thiều Lục Ngạn sẽ xuất khẩu khoảng 32.000 tấn, tiêu thụ nội địa 67.000 tấn và chế biến - sấy khô khoảng 23.000 tấn. Đồng thời, địa phương đã quyết định hỗ trợ cho các hộ dân 2 triệu đồng/lò sấy mới.
Vải thiều Bắc Giang được đóng hộp chuẩn bị xuất khẩu sang Trung Quốc
Để kiểm soát chặt dịch bệnh và chủ động kết nối với thị trường tiêu thụ lớn, sau khi đóng hàng, các lô vải thiều sẽ được phun thuốc khử khuẩn bằng Cloramin B. Đồng thời dán tem "Vải thiều không có dịch Covid-19" trên thùng hàng trước khi được vận chuyển đi tiêu thụ. Lần đầu tiên trong lịch sử, vải thiều Bắc Giang được dán tem “kiểm dịch” trước khi xuất khẩu sang các nước khác. Dự kiến, lô hàng vải thiều đầu tiên sẽ xuất khẩu sang Nhật vào ngày 26/5.
Trước đó, chiều ngày 19/5, theo ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang thông tin, mặc dù chưa vào chính vụ, 2 huyện Tân Yên và Lục Ngạn đã thu hoạch được 200 tấn vải thiều. Đồng thời đã có những lô vải thiều đầu tiên được thông quan qua cửa khẩu Lào Cai và Lạng Sơn để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Bắc Giang kêu gọi tiêu thụ nông sản Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã có văn bản gửi tới UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước. Theo đó, UBND tỉnh đề nghị các tỉnh, thành phố cho phép các phương tiện vận chuyển hàng hóa của Bắc Giang được lưu thông vào, qua các tỉnh, thành. Được biết, việc tiêu thụ nông sản của tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn. Do các phương tiện vận tải chở nông sản, hàng thiết yếu và nguyên, vật liệu từ Bắc Giang đi các địa phương đều bị các chốt kiểm dịch chặn lại, không cho lưu thông. Ngược lại, các phương tiện vận tải của các địa phương vận chuyển hàng hoá tới Bắc Giang khi trở về lái xe phải cách ly tập trung 21 ngày. Vì vậy, tỉnh Bắc Giang cam kết yêu cầu doanh nghiệp, đơn vị vận tải, chủ xe, lái xe khi vận chuyển hàng hóa từ Bắc Giang đến, qua các tỉnh, thành phố và từ các tỉnh, thành phố đến Bắc Giang phải tuân thủ, chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch Covid-19. |
Theo thông tin từ Tạp chí Kinh tế Môi trường Việt Nam