Bích Ngọc ·
1 năm trước
 1430

Vai trò của kinh tế xanh đối với sự phát triển toàn cầu?

Trong những năm gần đây, khi biến đổi khí hậu ngày càng xảy ra nghiêm trọng thì khái niệm kinh tế xanh ngày càng được phổ biến vì nền kinh tế hiện hành đã không còn phù hợp.

Trong vài năm qua, nền kinh tế xanh (Green economy) đã trở thành một khái niệm quan trọng của sự phát triển bền vững toàn cầu. Theo Ủy hội Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương Liên Hợp Quốc UNESCAP, kinh tế xanh là cách tiếp cận để đạt được tăng trưởng kinh tế với mục đích phát triển kinh tế, đảm bảo sự bền vững về môi trường.

Bên cạnh đó, từ việc thúc đẩy hiệu quả về sinh thái, kinh tế xanh tập trung vào việc đổi mới chất lượng mô hình tăng trưởng. Có thể thấy kinh tế xanh là nền kinh tế thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính để giảm thiểu biến đổi khí hậu, tăng trưởng theo chiều sâu, ít hao tổn nhiên liệu, tăng cường các ngành công nghiệp sinh thái, đổi mới công nghệ. Không chỉ thế, kinh tế xanh còn là nền kinh tế tăng trưởng bền vững, xóa đói giảm nghèo.

Từ đó có thể kết luận, kinh tế xanh là nền kinh tế hiệu quả trong việc sử dụng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, có mức phát thải thấp và giảm thiểu những rủi ro về môi trường và cải thiện công bằng xã hội.

Ảnh minh họa.

Nền kinh tế xanh là một sự thay đổi mang tính toàn cầu và đối với hiện trạng toàn cầu là mang tính chuyển đổi, trong đó để đặt các ưu tiên về xã hội và môi trường lên trên các ưu tiên tài chính đòi hỏi sự thay đổi cơ bản trong các ưu tiên của chính phủ. Mặc dù sự thay đổi này không phải là dễ thế nhưng nó là cần thiết. 

Nền kinh tế xanh ghi nhận các giá trị tự nhiên và vai trò của đầu tư cho vốn tự nhiên ( rừng, hồ, đất, nước,…), những thứ này có vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của con người. Vốn tự nhiên mang lại lợi ích cho nông nghiệp, độ màu mỡ của đất, giá trị đối với sản xuất cây trồng,…đặc biệt là nguồn sống của các hộ gia đình nghèo. Do đó, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh đã ghi nhận và minh chứng cho giá trị của vốn tự nhiên, cho phép đầu tư và xây dựng vốn tự nhiên nhằm hướng tới kinh tế bền vững.

Bên cạnh đó, nhìn vào nhiều nước đang phát triển có thể thấy, một trong những cơ hội lớn nhất để tăng tốc độ chuyển đổi sang kinh tế xanh là đầu tư vào việc cung cấp, dự trữ nước sạch, những dịch vụ vệ sinh cho người nghèo và năng lượng tái tạo để mang lại hiệu quả kinh tế.

Kinh tế xanh khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ carbon thấp và khuyến khích sử dụng nguồn lực, năng lượng hiệu quả hơn. Được biết, việc sử dụng năng lượng tái tạo sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính và những rủi ro về biến động giá nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt và đa dạng sinh học suy giảm, ô nhiễm môi trường gia tăng.

Nền kinh tế xanh đang mở ra cuộc sống đô thị bền vững khi giảm thiểu phát thải carbon. Việc sử dụng nhiên liệu sạch, cải thiện hiệu quả năng lượng trong khu vực giao thông chuyển từ các phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn về kinh tế và sức khỏe con người.

Hiện nay, phát triển mô hình kinh tế xanh đang là xu hướng phát triển toàn cầu và cần sự chung tay của toàn xã hội. Kinh tế xanh không chỉ mang lại hạnh phúc cho con người, ổn định cho xã hội mà còn có vai trò giảm các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái. Cần có sự kết hợp nhịp nhàng giữa doanh nghiệp với chính sách, cơ chế của Đảng và Nhà nước để phát triển đồng bộ mô hình này.