Chỉ số không khí vượt ngưỡng cho phép
Thời gian vừa qua, TP.HCM thường xuất hiện lớp mù bao phủ khá dày đặc, sáng sớm lớp mù này còn mờ, sau đó đậm dần và kéo dài đến tận trưa. Hiện tượng này dễ nhận thấy nhất khi nhìn vào các khu vực có nhà cao tầng, các tòa nhà gần như biến mất khi bị lớp mù bao phủ xung quanh.
Được ví như “đại công trường” về hoạt động công nghiệp và xây dựng, bầu không khí ở TP.HCM như được bao phủ trong một lớp sương mù đặc quánh. Nguyên nhân là do chỉ số chất lượng không khí ở nhiều nơi vượt mức cảnh báo đỏ.
Thực tế, vào cuối mùa mưa, bầu không khí ở TP.HCM thường trong tình trạng trắng đục như sương mù. Nguyên nhân là do độ ẩm trong không khí cao, các hạt bụi mịn bám vào hơi nước quanh quẩn ở tầng đối lưu của khí quyển không thoát được. Thường vào mùa mưa, nước mưa sẽ giúp làm sạch không khí hoặc gió sẽ đưa bụi bẩn đi nơi khác.
Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia khí tượng thủy văn nhận định, tình trạng không khí màu trắng đục trong thời gian gần đây là hiện tượng mù hỗn hợp vừa do sương mù kết hợp với mù khô. Sương mù sẽ tan khi nắng lên. Còn mù khô là do ô nhiễm không khí nên khi nắng lên vẫn không tan.
Không khí ở TP.HCM được bao phủ trong một lớp sương mù đặc quánh, do chỉ số chất lượng không khí ở nhiều nơi vượt mức cảnh báo đỏ.
Theo các chuyên gia, đây là hiện tượng thường thấy tại khu vực Nam Bộ vào những tháng cuối năm. Hiện tượng này được Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM công bố với tên gọi mù quang hóa. Đây là thuật ngữ được sử dụng để miêu tả một dạng ô nhiễm không khí xảy ra ở tầng đối lưu của khí quyển, sinh ra do ánh sáng mặt trời tác dụng lên các loại khí thải tạo nên những hợp chất có hại cho sức khỏe con người, làm giảm tầm nhìn.
Kết quả quan trắc không khí trong 3 tuần gần nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy nồng độ bụi mịn PM2.5 tại TP.HCM đều vượt ngưỡng cho phép. Cụ thể, trong đợt đo từ 31/10 - 6/11, chỉ số PM2.5 trung bình 24h có 19% giá trị quan trắc không đạt quy chuẩn. Đợt đo tiếp theo từ ngày 7/11 đến ngày 13/11 cho thấy chỉ số PM2.5 trung bình 24h có 21,9% giá trị quan trắc không đạt. Giai đoạn 14/11-20/11, các chỉ tiêu bụi (TSP) có 42,9% giá trị quan trắc không đạt, chỉ số PM2.5 trung bình 24h có 9,5% giá trị quan trắc không đạt.
Mới đây, trả lời báo chí về tình hình không khí tại TP.HCM, ông Nguyễn Hiếu Hòa, Phó trưởng Phòng Kinh tế đất Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, khẳng định không có hiện tượng chất lượng không khí bất thường. Số liệu quan trắc chất lượng không khí 3 tuần gần nhất tương tự như những năm trước.
Ông Hòa lý giải TP.HCM đang bước vào thời điểm giao mùa nên thường có mù sương vào sáng sớm. Lúc này, nhiệt độ xuống thấp, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lên tới 10-12 độ C. Hiện tượng này sẽ gây ra nghịch đảo nhiệt độ cục bộ.
"Lúc này, nhiệt độ lớp không khí gần mặt đất thấp hơn trên cao khiến không khí không thể đối lưu nên tạo ra lớp mù sương. Điều này không có gì bất thường", ông Hòa nói.
Giao thông là “thủ phạm” hàng đầu?
Thông tin thêm về vấn đề này, ông Hòa cho biết kết quả quan trắc các điểm đo vượt tiêu chuẩn chủ yếu tập trung ở các nút giao thông có mật độ phương tiện cao. Để kiểm soát tình trạng ô nhiễm không khí cục bộ, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ kết hợp với Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng tiếp tục thực hiện các chương trình quan trắc chất lượng môi trường nhằm cảnh báo chất lượng không khí đến người dân.
Tham vấn kế hoạch không khí sạch, ông Trần Văn Bảy - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM cho biết, hiện thành phố đang triển khai dự án nâng cao năng lực và hành động cải thiện chất lượng không khí (dự án TA9608-REG), ngoài nghiên cứu chất lượng không khí tập trung vào hiện trạng chất lượng không khí, các tác động và quản lý thì dự án cũng nhắm đến tìm ra các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí thông qua đổi mới công nghệ, khuyến nghị chính sách và hỗ trợ nâng cao năng lực với các ước lượng chi phí đầu tư để kiểm soát các nguồn ô nhiễm không khí tại TP.HCM. Về mục tiêu cụ thể, thành phố dự kiến đến năm 2025 vận tải hành khách công cộng đạt 15%; đến năm 2030 đạt 25%.
Để thực hiện việc kiểm soát chất lượng ô nhiễm không khí cũng như tình trạng ô nhiễm không khí, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Sở ngành, đặc biệt là Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng triển khai nhiều giải pháp như tiếp tục mở rộng thực hiện đầy đủ, liên tục các chương trình quan trắc chất lượng môi trường để kịp thời giám sát, cảnh báo tình trạng chất lượng không khí các khu vực ô nhiễm tới người dân.
Đồng thời, các đơn vị thực hiện cải tạo nâng cấp hệ thống đường xá giao thông, phát triển hệ thống giao thông công cộng, từng bước thay đổi nhiên liệu xanh để giảm nồng độ chất lượng ô nhiễm không khí do hoạt động giao thông.
Về cục bộ, tại các công trình xây dựng, các Sở liên quan cùng với quận huyện sẽ giám sát công trình xây dựng, đảm bảo che chắn nơi tập kết vật liệu, tưới ẩm xung quanh khu vực xây dựng, rửa và vệ sinh xe trước khi ra vào công trường. Các xe vận chuyển trên đường cần phải có bạt che chắn để không làm rơi vãi vật liệu xây dựng.
Theo PGS.TS Hồ Quốc Bằng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu thuộc Viện Môi trường và Tài nguyên TPHCM, ngoài ô nhiễm từ phát thải của hoạt động giao thông thì hai “thủ phạm” gây ô nhiễm không khí chính kế đến là hoạt động xây dựng và hoạt động công nghiệp. Trong đó, ông Bằng đặc biệt lưu ý đến bụi mịn PM2.5, vốn là khí thải ra từ các phương tiện xe máy, chiếm khoảng gần 80% lượng bụi mịn do hoạt động giao thông gây ra. Trong khi đó, theo PGS.TS Lê Thị Tuyết Lan - Chủ tịch Hội Hen suyễn, dị ứng và miễn dịch lâm sàng TP.HCM, không chỉ gây các hệ quả rất rõ ràng đối với người già và người có tiền sử về bệnh lý thì ô nhiễm không khí cũng đang gây ra các tác động nặng nề đối với đặc biệt là trẻ em. Trong đó, các bệnh về hô hấp, tim mạch thường bị ngày càng được phát hiện nhiều hơn, các bệnh cấp khi ô nhiễm không khí gia tăng hàng năm. |